Bản in
Marie Curie - Người khởi đầu hợp tác nguyên tử Việt-Pháp
Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt - Pháp trong lịch vực khoa học kỹ thuật hạt nhân đã trải qua một bề dày lịch sử lâu dài, bắt đầu từ 90 năm trước với nhà khoa học vĩ đại Marie Curie.

Chiều dài lịch sử 90 năm

Quan hệ chính thức về mặt ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp đang được hai nước kỷ niệm trọng thể tròn 40 năm (1973- 2013). Năm 1973 cũng được xem là mốc thời gian của sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tiếp các chuyên gia của Cơ quan hạt nhân quốc tế của Pháp (AFNI), ngày 06/06/2012. Ảnh Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhưng trong thực tế, mối quan hệ này đã khởi nguồn từ rất sớm, từ 90 năm trước đây. Năm 1923, từ một Viện Radium ở Paris do Marie Curie làm giám đốc đã tỏa ra thành một mạng lưới lớn các viện nghiên cứu và bệnh viện mang tên Radium trên thế giới. Và một Viện Radium ở Hà nội cũng đã ra đời đúng thời điểm đó.

Điều thú vị là giờ đây, ngay tại bệnh viện này, nay mang tên Bệnh viện K nằm trên phố Quán Sứ ở giữa thủ đô Hà Nội, trong các chứng chỉ sử dụng các kim phóng xạ Radium từ Paris gửi sang để điều trị những bệnh nhân ung thư vẫn lưu lại chữ ký của nhà khoa học hạt nhân nguyên tử lỗi lạc Marie Curie, người phụ nữ duy nhất trên thế giới nhận hai giải Nobel danh giá, cũng là người duy nhất nhận một giải Nobel về Vật Lý (năm 1903) và một giải Nobel về Hoá Học (1911).

Đương nhiên, từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, sự hợp tác mọi mặt, trong đó có lĩnh vực ứng dụng hòa bình năng lượng hạt nhân có điều kiện phát triển mở rộng hơn.

Bắt đầu từ phi điện năng

Trước hết, Việt Nam tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của Pháp trong lĩnh vực đào tạo cán bộ về khoa học cơ bản, về các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong dân sinh, trong các ngành công nông nghiệp…

Bản thỏa thuận đầu tiên giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEI) với Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Pháp (CEA) là “Thỏa thuận hợp tác về ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình” được ký kết lần đầu vào năm 1996, sau đó gia hạn vào năm 2002 và 2007.

Theo đó, hai bên thỏa thuận hợp tác trong các lãnh vực cụ thể, như vật lý hạt nhân, vật lý và công nghệ lò phản ứng, sử dụng lò phản ứng nghiên cứu có độ giàu urani thấp (LEU), sản xuất và sử dụng đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ, nghiên cứu và phát triển nhiên liệu và quản lý chất thải phóng xạ, an toàn hạt nhân...

Tiếp theo, giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEI) với Viện An toàn bức xạ hạt nhân Pháp (IRSN) thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực bảo vệ bức xạ, như: trao đổi thông tin, tham quan ngắn hạn và trao đổi thực tập sinh, hợp tác nghiên cứu thực hiện dự án, trao đổi công cụ và chương trình tính toán.

Giữa Bộ KH&CN Việt Nam với Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS thỏa thuận tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác trong lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý cơ bản tính toán mô phỏng, tính toán mạng… giữa một số trường đại học, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân của Việt Nam với một số phòng thí nghiệm thuộc CNRS.

Trong những năm qua, đặc biệt trong thập niên vừa qua, hai bên đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động theo theo tinh thần các nội dung đã được ký kết.

Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp tập trung giúp Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đào tạo cán bộ lò phản ứng nghiên cứu. Thông qua Đại Sứ quán Pháp tại Việt Nam, nhiều tài liệu hữu ích trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được các cơ quan bạn tổ chức dịch ra tiếng Việt và cung cấp cho Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Đồng thời, Pháp tiếp tục nhận đào tạo đại học và sau đại học cho cán bộ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân của Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình LIA, Pháp đã nhận một số cán bộ của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân sang hợp tác nghiên cứu ở Pháp về cấu trúc và phản ứng hạt nhân (8 cán bộ trong thời gian 2010-2011) tại các trung tâm nghiên cứu như Viện nghiên cứu hạt nhân Orsay (IPN Orsay), Viện Nghiên cứu các Quy luật cơ bản (IRFU-Saclay) và Trung tâm Gia tốc Quốc gia Pháp (GANIL).

Tháng 7/2009, CEA đã cung cấp cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam các chương trình tính toán CATHARE . Ngoài ra, vào tháng 11/2011 Pháp đã phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức Hội thảo Quốc tế về vật lý hạt nhân không bền tại Hà Nội (ISPUN11).

Thời kỳ mới – điện hạt nhân

Từ khi Việt Nam chính thức có chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hai nước về cơ bản vẫn duy trì tiếp tục các kế hoạch hợp tác trước đây.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng của Pháp tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân Seoul vào tháng 3/2012, hai bên đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với 2 ưu tiên về đào tạo và an toàn.

Tháng 6/2012, một đoàn chuyên gia của Cơ quan Hạt nhân Đối ngoại của Pháp (AFNI) sang Việt Nam với mục đích làm việc với các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu đào tạo và xây dựng một chương trình tổng thể về nhu cầu đào tạo của Việt Nam, trong đó có đào tạo các giảng viên và xây dựng các cơ sở đào tạo tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân sẽ tập trung vào 4 mảng chính: công nghệ hạt nhân, an toàn hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân và quản lý bã thải hạt nhân.

Hiện nay, hai bên đang trong giai đoạn thăm dò tiếp tục về khả năng hợp tác về điện hạt nhân. Thực tế, trong những năm qua Pháp cũng đã cung cấp một dự thảo kế hoạch phát triển nhân lực cho dự án điện hạt nhân (với điều kiện sử dụng công nghệ Pháp). Về công tác thông tin đại chúng, Việt Nam từng đề nghị Pháp chia sẻ kinh nghiệm về công tác điều tra đánh giá thăm dò dư luận về điện hạt nhân.

Cũng trong những năm qua, Pháp đã chú trọng tham gia quảng bá các chương trình và chuẩn bị dự án điện hạt nhân ở Việt Nam. Cụ thể, tham gia các triển lãm quốc tế về điện hạt nhân tổ chức các năm 2004, 2006, 2008, 2010 và 2012 tại Hà nội. Tổ chức một số hội thảo quy mô lớn ở Hà nội, trong đó có các hội thảo về Luật hạt nhân vào tháng 6/2005, hội thảo về điện hạt nhân vào 10/2005 và 7/2007, 5/2008.

Đồng thời, Pháp đã mời một số đoàn cao cấp Việt Nam sang tham quan nghiên cứu tình hình điện hạt nhân nước Pháp, dự hội nghị quốc tế lớn như “Hội thảo Năng lượng hạt nhân dân sự” ở Paris tháng 3/2010.

Tóm lại, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Pháp trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật hạt nhân nguyên tử, khởi đầu từ 90 năm trước với nhà khoa học kiệt xuất của nước Pháp và thế giới Marie Curie, đã trải qua một bề dày lịch sử dài lâu và sâu rộng. Trong giai đoạn bước vào con đường xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân hiện nay, Việt Nam càng cần bắt tay với nước Pháp, một trong những cường quốc về năng lượng nguyên tử với một nền công nghiệp điện hùng mạnh đang cung cấp gần 80% nhu cầu điện năng quốc gia.

Trần Thanh Minh