Bản in
Nhật phát triển công nghệ đo nhiên liệu ở Fukushima
Nhật Bản và Mỹ bắt đầu cùng nghiên cứu phát triển các công nghệ có thể đo được số lượng các chất urani và plutoni trong nhiên liệu nóng chảy tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

 Các quan chức Nhật Bản và Mỹ ngày 29/6 cho biết theo thỏa thuận thanh sát giữa Nhật Bản và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Nhật Bản có nghĩa vụ phải báo cáo với IAEA về số lượng các chất trong nhiên liệu hạt nhân cho thấy không chất nào trong số này được chuyển mục đích sang vũ khí.

Các quan chức IAEA và Bộ năng lượng Mỹ cho biết Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu đánh giá các chất từ đầu thập niên 2020 theo thời gian biểu của chính phủ dỡ bỏ các lò phản ứng. 

Cơ quan này gọi đây là “trường hợp đầu tiên trên thế giới” sử dụng phương pháp đo đạc do các vấn đề kỹ thuật khiến nỗ lực tiến hành công tác này không đạt được trong sự cố trên đảo Three Mile năm 1979 ở Mỹ.

Tuy nhiên, quá trình đo đạc các chất phóng xạ có thể gặp khó khăn khi nhiên liệu nóng chảy phải được lấy ra khỏi các bể chứa.

Ông Keiichiro Hori, thành viên nhóm chuyên trách của JAEA, cho biết Cơ quan năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và Bộ Năng lượng Mỹ đã ký kết một thỏa thuận cùng nghiên cứu vấn đề này hồi tháng 11/2012. Nhóm của ông Hori được thành lập để giới thiệu công nghệ mới cho việc phá dỡ các lò phản ứng bị hư hại nặng ở Fukushima.

Hồi tháng 2, các chuyên gia kỹ thuật đã tổ chức cuộc gặp đầu tiên tại Trụ sở chính của JAEA ở làng Tokai, tỉnh Ibaraki. Phía Mỹ tiến cử 14 chuyên gia bao gồm những người đến từ Ủy ban Pháp quy Hạt nhân Mỹ (USNRA) và Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos.

Một phác thảo sơ bộ lộ trình phát triển các công nghệ nêu trên thành hình và một vài công nghệ dự kiến áp dụng tại Fukushima 1 sẽ được giới chuyên môn lựa chọn vào năm 2013. 

Trong khi đó, các chuyên gia từ cả hai nước cũng sẽ phát triển một công nghệ trong tài khóa 2014 và 2015 có khả năng đo đạc tia gamma và neutron thoát ra từ nhiên liệu nóng chảy được lấy từ các bể chứa và chuyển vào bên trong các thiết bị bảo quản đặc biệt. Từ nay đến hết tài khóa 2018, nhóm công tác sẽ sản xuất thiết bị đo đạc và đưa vào thử nghiệm trong tài khóa 2019.

Các lò phản ứng từ số 1 đến số 3 tại Fukushima 1 chứa tổng cộng khoảng 1.500 cụm nhiên liệu vào thời điểm xảy ra sự cố hạt nhân hồi tháng 3/2011, làm rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng và buộc người dân sống ở khu vực gần nhà máy phải sơ tán khỏi nơi cư trú./.