Bản in
Ấn Độ quan tâm công nghệ hạt nhân của Nhật Bản
Ấn Độ đang quan tâm đến công nghệ năng lượng hạt nhân dân sự và công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản. Từ đó, hai nước báo hiệu sẽ tiến xa hơn trong lĩnh vực "đối thoại chính trị, tư vấn chiến lược và quốc phòng".

Cuộc viếng thăm 4 ngày của Thủ Tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Tokyo vừa rồi mở cửa cho các công ty Nhật Bản xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân năng lượng sang Ấn Độ.

Đàm phán về vấn đề này đã tiến hành trong năm 2010 nhưng dừng lại sau khi tai nạn hạt nhân Fukushima xảy ra hồi tháng 3 năm 2011.

Cuộc đàm phán được tái khởi động hiện nay diễn ra chưa đầy một tháng sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ký hiệp ước cung cấp các lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ và Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Các Tập đoàn cung cấp nhà máy điện hạt nhân nổi tiếng của Nhật Bản như Hitachi Ltd, General Electric Co., Toshiba và MitsubishiHeavy Industries Ltd. đang sẵn sàng xuất khẩu lò phản ứng của họ ra các nước, trong tình hình ở trong nước nền công nghiệp điện hạt nhân đang chờ tan băng.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng quan tâm đến nền công nghệ, nói chung, và công nghiệp tàu hỏa cao tốc nổi tiếng, nói riêng, của Nhật Bản. Hai nước đang làm việc với nhau về nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Đó là hành lang công nghiệp New Delhi- Mumbai dài 930 dặm và trị giá 90 tỷ USD. Hoặc dự án đường sắt cao tốc 1.500 km bao gồm sân bay, đường cao tốc, bến cảng và các nhà máy điện v.v…

Cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Ấn Độ về công nghệ trên đây, qua cuộc viếng thăm của nhà đứng đầu chính phủ Ấn Độ vừa qua, hai nước lớn của Châu Á và thế giới đã thể hiện sự nhất trí và sâu sắc hơn giữa hai nước, về mối quan hệ song phương trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong một cuộc họp báo chung trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tuần trước, đã phát biểu: “Có thể khẳng định một lần nữa về mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu giữa chúng tôi đang phát triển thông qua các cuộc họp hội nghị thượng đỉnh hàng năm”.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng nhấn mạnh: "Ấn Độ và Nhật Bản là đối tác tự nhiên và không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của hai nước chúng ta" và “hai quốc gia đặc biệt coi trọng việc tăng cường đối thoại chính trị, tư vấn chiến lược và dần dần tăng cường quan hệ quốc phòng".

Rõ ràng, giữa hai nước lớn ở Châu Á, Ấn Độ và Nhật Bản, mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ đang chuyển dần qua mối quan hệ quốc phòng và chiến lược. Tình hình đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến bàn cờ địa chính trị đang nóng bỏng hiện nay ở Châu Á trong thời gian sắp tới.