Bản in
Xây Trung tâm KHCN hạt nhân - một phép thử quan trọng
Theo TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, việc thực hiện dự án Trung tâm KHCN hạt nhân chủ động đề xuất xây dựng cho Việt Nam, là một mắt xích quan trọng trong chương trình phát triển ĐHN của Việt Nam, là một phép thử quan trọng về năng lực thực hiện chương trình đó.

Sau khi Quốc hội Khóa XII có Nghị quyết về Chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam, tháng 12/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Liên bang Nga và trong buổi làm việc với Thủ tướng Nga Putin, hai bên đã thống nhất mời Nga giúp Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên. Cũng tại buổi làm việc đó, Thủ tướng Nga Putin đã chủ động đề xuất xây dựng cho Việt Nam một Trung tâm KHCN hạt nhân (TT KHCN HN) để hỗ trợ cho chương trình phát triển ĐHN của Việt Nam.

Theo TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), trong bối cảnh trình độ KHKT và công nghệ ĐHN của ta còn rất thấp việc có được một trung tâm như vậy thực sự cần thiết. Vì vậy từ đầu năm 2010, Việt Nam, trong đó chủ yếu là Bộ KH&CN đã triển khai thảo luận việc xây dựng TT KHCN HN như thế nào, vì khi Nga đề xuất giúp ta xây dựng trung tâm, họ cũng chưa nói rõ nội hàm của trung tâm đó là những gì. Qua thảo luận một số nhà khoa học cho rằng để hỗ trợ cho phát triển ĐHN thì chưa hẳn cần có một lò nghiên cứu mới, còn phần lớn cho rằng với bối cảnh Việt Nam hiện nay, TT KHCN HN cần có một lò nghiên cứu mới; do vậy Bộ KH&CN đã quyết định xây dựng TT KHCN HN, trong đó có một lò nghiên cứu mới.

Khi đoàn cán bộ của Bộ KH&CN sang Nga để bàn cụ thể, phía Nga đồng ý ngay với đề xuất của ta là xây dựng TT KHCN HN trong đó có 1 lò nghiên cứu mới. Theo TS. Trần Chí Thành, việc Nga dễ dàng chấp nhận đề xuất của ta vì nước Nga có những điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Liên Xô (trước đây) và nước Nga đã xây dựng và khai thác rất nhiều lò phản ứng nghiên cứu. Ví dụ, hiện nay ở thành phố Dimitrovgrad, nơi có Viện nghiên cứu về lò phản ứng hạt nhân có tới 7 lò. Tháng 11/2011, Việt Nam đã ký với Nga Hiệp định Liên Chính phủ về việc xây dựng TT KHCN HN với số tiền đầu tư khoảng 500 triệu USD do Chính phủ Nga cho vay với lãi suất ưu đãi.

Để triển khai cụ thể dự án này, đầu tháng 4/2013, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam cùng đoàn công tác của Bộ KH&CN sẽ sang làm việc với Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử của Nga (ROSATOM), Tạp chí Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với ông.

Xin ông cho biết ý nghĩa của lò nghiên cứu trong chương trình phát triển ĐHN?

Đối với những nước đã phát triển ĐHN thì vai trò của lò nghiên cứu hỗ trợ cho chương trình ĐHN của họ không nhiều, vì các nước đó đã có trình độ KHCN đáp ứng yêu cầu (cao), có đủ đội ngũ nhân lực khoa học, đội ngũ cán bộ để khai thác an toàn và hiệu quả các nhà máy ĐHN. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy lò hạt nhân nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển khoa học và công nghệ hỗ trợ cho chương trình ĐHN, trong đó khâu quan trọng là đào tạo nhân lực, đội ngũ cán bộ, chuyên gia. Do đó với những nước mới bắt đầu chương trình phát triển ĐHN như Việt Nam thì việc có một trung tâm KHCN HN là hết sức cần thiết, góp phần đẩy nhanh việc nâng cao năng lực KHCN ĐHN. Vấn đề đối với chúng ta là nghiên cứu xây dựng trung tâm ở đâu và như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất cho mục tiêu đặt ra.

Chức năng chủ yếu của TT KHCN HN:
Nghiên cứu, phát triển KH&CN hỗ trợ cho chương trình ĐHN của Việt Nam; Tiến hành các nghiên cứu tiên tiến về vật lý hạt nhân, về khoa học vật liệu, sinh học…; Phát triển một số dịch vụ như sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế, điều trị, chữa bệnh v.v.; và Đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình ĐHN.

Có thể nói, TT KHCN HN là một mắt xích quan trọng trong chương trình phát triển ĐHN của ta, là một phép thử quan trọng về năng lực thực hiện chương trình đó. Việc xây dựng thành công TT KHCN HN sẽ góp phần nâng cao trình độ KHCN, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cũng như nguồn nhân lực cho ĐHN, tạo niềm tin của xã hội. Trong trường hợp TT KHCN HN không thành công sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với chương trình ĐHN.

Vậy Viện đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?


Chúng tôi đã đề xuất với Bộ KH&CN trình Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng TT KHCN HN với những chức năng chủ yếu: Nghiên cứu, phát triển KH&CN hỗ trợ cho chương trình ĐHN của Việt Nam; Tiến hành các nghiên cứu tiên tiến về vật lý hạt nhân, về khoa học vật liệu, sinh học…; Phát triển một số dịch vụ như sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế, điều trị, chữa bệnh v.v.; và Đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình ĐHN.

Để TT KHCN HN thực hiện được chức năng này, chúng tôi đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt xây dựng TT KHCN HN tại thành phố Đà Lạt, nơi đang có 1 lò hạt nhân nghiên cứu, để có thể tận dụng được nguồn nhân lực, kinh nghiệm 30 năm xây dựng và vận hành lò Đà Lạt (lò mới đặt tại 1 địa điểm khác, cách lò hiện nay khoảng 12 km. ROSATOM đã nghiên cứu sơ bộ và đánh giá địa điểm đó đáp ứng tốt các yêu cầu của việc xây dựng TT KHCN HN). Việc xây dựng TT KHCN HN tại Đà Lạt nhằm phát huy những điều kiện thuận lợi nhất có thể có hiện nay để dự án thành công, đó là: Điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất cho lò nghiên cứu mới; Tận dụng được (và phát triển) đội ngũ cán bộ khoa học đang có cho dự án; Tích cực hỗ trợ cho ĐHN Ninh Thuận; Thu hút được đội ngũ cán bộ khoa học giỏi, cán bộ trẻ trong nước đến làm việc; Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, thu hút các nhà khoa học các nước đến làm việc v.v. Ngoài ra, khi có lò nghiên cứu mới, lò hiện nay sẽ được chuyển sang sử dụng cho mục đích đào tạo nhân lực, nằm trong chương trình xây dựng Đại học Đà Lạt thành trường đại học đi đầu trong đào tạo cán bộ cho ngành hạt nhân. Chúng tôi cũng đề xuất TT KHCN HN gồm 2 thành phần: ở Đà Lạt với một lò nghiên cứu mới và một số trang thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm liên quan đến lò; ở phía Bắc sẽ đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện NLNTVN bao gồm trang bị các phòng thí nghiệm về vật lý hạt nhân, thủy nhiệt, đánh giá vật liệu, trung tâm tính toán mô phỏng, đào tạo nhân lực, có nghĩa là đẩy mạnh một số hướng nghiên cứu liên quan trực tiếp đến hỗ trợ cho chương trình ĐHN hiện nay.

Tháng 4/2013, khi Viện NLNT Việt Nam sang làm việc với Nga về việc xây dựng trung tâm này, chúng tôi sẽ đề ra yêu cầu đối với phía Nga trong việc thực hiện dự án khả thi (FS), có nghĩa là phải bảo đảm TT KHCN HN thực hiện được chức năng kể trên; đồng thời phải để cho các chuyên gia của Việt Nam giữ vai trò chính trong nhiệm vụ tính toán thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới. Đối với các nhiệm vụ khác trong FS, cán bộ Việt Nam cũng sẽ tham gia thực hiện cùng đối tác Nga (nếu họ làm FS).

Vì sao chúng ta lại yêu cầu Nga như vậy?

Chúng tôi sẽ đề ra yêu cầu đối với phía Nga trong việc thực hiện dự án khả thi (FS), phải để cho các chuyên gia của Việt Nam giữ vai trò chính trong nhiệm vụ tính toán thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới.

Hiện nay ROSATOM đang đề nghị Việt Nam cho phép 1 đơn vị tư vấn của họ thực hiện FS. Trong dự án FS có nhiều nội dung, trong đó một nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng phương án, tính toán, thiết kế lò nghiên cứu mới. Đội ngũ cán bộ của Viện NLNTVN đã có hơn 35 năm tham gia xây dựng và đưa vào vận hành an toàn lò Đà Lạt, năng lực tính toán thiết kế của đội ngũ cán bộ hiện nay khá tốt. Một trong những nhiệm vụ khoa học mà đội ngũ cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã thực hiện được trong mấy năm qua là tính toán chuyển đổi nhiên liệu cho lò hiện nay đang vận hành (chuyển từ nhiên liệu giàu cao sang nhiên liệu giàu thấp). Lò hiện nay đã vận hành ổn định với nhiên liệu giàu thấp. Như vậy, xét về năng lực, có thể thấy Việt Nam có thể đảm nhận nhiệm vụ thiết kế lò nghiên cứu mới. Việc thiết kế lò nghiên cứu mới là nhiệm vụ khoa học có ý nghĩa, giúp chúng ta xây dựng năng lực và đội ngũ cán bộ, cũng như tạo ra tiền đề, những điều kiện tốt nhất cho đội ngũ cán bộ khoa học của mình sau này làm chủ trong khai thác lò nghiên cứu mới. Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể của đội ngũ cán bộ Viện.

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra (tính toán thiết kế lò, hợp tác nghiên cứu trong tương lai), đòi hỏi sự nỗ lực đáng kể của đội ngũ cán bộ Viện; đồng thời ngoài việc hợp tác với Nga, chúng ta cần mời các nhà khoa học đầu ngành của các nước khác tham gia tư vấn, bàn bạc, cùng làm việc.

Mô hình TT KHCN HN của ta như vậy có gì khác so với mô hình của Nga hiện nay?


Theo thông tin của tôi có được, TT KHCN HN của Việt Nam không giống mô hình các trung tâm nghiên cứu ở Nga. Nước Nga có nhiều Viện nghiên cứu, có nhiều hướng nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, vì họ là nước có công nghệ gốc, là nước có nền KHKT tiên tiến. Họ là nước phát triển công nghệ nên quan tâm những vấn đề nghiên cứu khác. Còn ta quan tâm đến nâng cao năng lực KH công nghệ để có thể tiếp nhận công nghệ, xây dựng và vận hành an toàn các nhà máy ĐHN, đưa lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, một vài lĩnh vực nghiên cứu KH cơ bản, ứng dụng cũng sẽ được triển khai ở TT KHCN HN, tùy theo điều kiện cho phép. ĐHN là một lĩnh vực khoa học công nghệ cao, đa ngành, chương trình ĐHN đòi hỏi đất nước phải thực sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Trong chuyến công tác sắp tới, đoàn Việt Nam sẽ tham quan tìm hiểu một số đơn vị nghiên cứu liên quan đến ĐHN của Nga để xây dựng phương án TT KHCN HN của Việt Nam.

Việc xây dựng TT KHCN HN gặp những khó khăn gì?

Theo đánh giá của tôi, trong điều kiện thực tế hiện nay việc xây dựng TT KHCN HN cách xa Đà Lạt hoặc bất kỳ nơi nào khác sẽ dẫn đến không thành công, và điều này sẽ ảnh hưởng một cách tổng thể đến chương trình ĐHN của đất nước.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều người vẫn lo ngại về sự an toàn của lò nghiên cứu, nhất là sau sự cố Fukushima mặc dù chúng tôi đã trình bày rõ, tổ chức hội thảo và khẳng định với lãnh đạo tỉnh (Lâm Đồng) là độ an toàn của lò nghiên cứu cao gấp nhiều lần nhà máy ĐHN, lịch sử ngành hạt nhân chưa có sự cố nào của lò nghiên cứu ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh. Hơn nữa việc xây dựng thành công và đưa vào hoạt động TT KHCN HN sẽ góp phần đưa Đà Lạt trở thành một thành phố khoa học, nhưng lãnh đạo tỉnh cho đến nay có vẻ như vẫn chưa đồng tình với việc xây dựng TT KHCN HN tại Đà Lạt. Tỉnh muốn đưa TT KHCN HN ra cách thành phố ít nhất 50-60km với lý do để bảo đảm cho chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Nếu xây dựng ở địa điểm tỉnh đề xuất thì việc xây dựng TT KHCN HN phải mất ít nhất khoảng 10 năm, và điều quan trọng hơn là sau đó không thể thu hút được các chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc. Khó khăn thứ hai là kinh phí cho việc đào tạo nguồn nhân lực của TT KHCN HN. Hiện nay nguồn kinh phí do Bộ GD&ĐT quản lý (kinh phí đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hạt nhân theo đề án 1558) chưa sử dụng được vào việc đào tạo nhân lực cho TT KHCN HN. Nhu cầu gửi cán bộ sang Nga đào tạo sau đại học là cấp bách, tuy nhiên tôi cũng chưa thấy giải pháp nhanh chóng nào về kinh phí cho việc này. Trong dự án khả thi (FS) của Trung tâm sẽ đưa ra một lộ trình đào tạo nguồn nhân lực, nếu vậy, có lẽ một phương án cần thiết phải đưa ra là sử dụng một phần tiền đầu tư của TT KHCN HN để thực hiện đào tạo nhân lực.

Khi địa điểm xây dựng TT KHCN HN chưa được xác định thì đâu có đủ yếu tố để bàn với Nga cụ thể về việc xây dựng TT KHCN HN.

Mục đích của chuyến công tác là thảo luận với ROSATOM, xác định rõ định hướng nghiên cứu, mô hình trung tâm, thành phần trang thiết bị, nội dung báo cáo FS, phối hợp thực hiện trong dự án đầu tư (FS) v.v. Nhiệm vụ quan trọng là thỏa thuận về việc Việt Nam tính toán thiết kế lò (với sự hỗ trợ, phối hợp của đối tác Nga). Nội dung khác là tìm hiểu về các đơn vị tư vấn của Nga có thể thực hiện FS. Những nội dung này có thể thực hiện với địa điểm giả định nào đó.

Xin cảm ơn ông!