Bản in
Sản phẩm từ Fukushima không còn dấu vết phóng xạ
Thảm hoạ rò rỉ phóng xạ đã ảnh hưởng tới tỉnh Fukushima của Nhật Bản cách đây 2 năm, buộc 160.000 cư dân phải sơ tán, dường như đang lùi dần vào dĩ vãng, sau khi các quan chức nơi đây nói rằng các mặt hàng thiết yếu thường nhật như gạo, rau củ và các sản phẩm khác đã không còn dấu vết của phóng xạ nữa.

Để chứng minh điều này, hãng du lịch lớn nhất Nhật Bản HIS đã tổ chức một chuyến nghiên cứu-khảo sát tại Fukushima. 

Đoàn đã viếng thăm một nông trại rộng 10.000 ha, từng đã nằm trong tình trạng hoàn toàn bị phá hủy sau thảm họa sóng thần và rò rỉ phóng xạ. 

Trong thời hoàng kim, nông trại này sản xuất thực phẩm cho khoảng một triệu người. Trong hai năm kể từ khi thảm họa xảy ra, một số người sơ tán và cư dân địa phương đã bắt đầu khởi động dự án năng lượng "Kaachan."

Dự án "Kaachan" liên quan tới việc cung cấp các bữa ăn an toàn làm từ cơm, rau và các thực phẩm khác sản xuất tại Fukushima. 

Ông Tomiko Watanabe, một trong những người liên quan tới dự án, cho biết: "Thực phẩm của Fukushima an toàn bởi tình trạng nhiễm bẩn phóng xạ được kiểm tra hết sức chặt. Hiện tại, (nồng độ phóng xạ) tiêu chuẩn của chính quyền Nhật Bản là 100 becquerel. Ở thực phẩm nhập khẩu, con số này là 370 becquerel.."

"Tuy nhiên dự án Kaachan chỉ có nồng độ phóng xạ dưới 20 becquerel. Nhưng bất chấp chứng cứ này, 44 nước vẫn từ chối nhập khẩu các sản phẩm của Fukushima. Chúng tôi đang chống lại các tin đồn và sự rập khuôn về tư tưởng."

Seiji Kanno, một nông dân, cho biết 99,9% gạo thu hoạch ở Fukushima có nồng độ phóng xạ dưới 25 becquerel.

Ông nói rằng năm ngoái, các bữa ăn trưa trong trường học tại Nhật Bản đã không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào sản xuất từ Fukushima. Nhưng nay các nguyên liệu do Fukushima làm ra đã được sử dụng. 

Công ty Toshiba nổi tiếng Nhật Bản cũng đã cung cấp các hộp chứa có thiết bị đo phóng xạ theo thời gian thực nhằm chấm dứt tin đồn về tình trạng nhiễm xạ. 

"Để nhận hiểu rõ thực tế, mọi người nên tới thăm Fukushima để thấy sự thay đổi đã diễn ra theo hướng tốt đẹp hơn" - một thành viên đoàn nghiên cứu nói. 

Megumi Noda, một trong những nhà tổ chức đoàn nghiên cứu cho biết: "Chuyến nghiên cứu chỉ là bước đầu tiên. Trong tương lai gần, tôi muốn mời những người nước ngoài tới thực hiện một chuyến nghiên cứu Fukushima"./.