|
|||
Những trao đổi được ghi tại trong buổi tọa đàm “Đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân” diễn ra mới đây tại Đại học Bách khoa Hà Nội. GS Đinh Trúc Nam, đã nhấn mạnh đến yếu tố con người- đặc biệt là ý thức cá nhân trong việc nỗ lực trau dồi kiến thức cũng như tác phong để tham gia ngành năng lượng nguyên tử. - Hiện nay việc thu hút nhân lực điện hạt nhân ở Việt Nam đang gặp khó khăn do tâm lý đây là một ngành nguy hiểm, nhiều rủi ro đến sức khỏe? Cá nhân GS có cho rằng điều này là đúng không? - Không hẳn như vậy. Thực tế cho thấy, lịch sử đã chứng minh ngược lại điều đó. Điện hạt nhân là một ngành an toàn nhất thế giới, số lượng người trong ngành hạt nhân gặp sự cố sức khỏe rất ít so với các ngành nghề khác bởi đây là một ngành có công nghệ và văn hóa rất cao. - Thưa GS, sau sự cố Fukushima (Nhật Bản), nhiều người không khỏi quan ngại bởi những tác động không lường của sự cố điện hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu, kể cả với công nghệ được cho là tiên tiến nhất, con người được xem là có kỷ luật lao động nhất. Với những hiểu biết của mình, GS có thể cho biết, sau sự cố này, công nghệ điện hạt nhân đã có những đổi mới gì để hạn chế tối đa sự cố có thể xảy ra? - Một điều mà bất cứ người làm khoa học nào đều biết đó là công nghệ có hiện đại bao nhiêu nhưng luôn luôn có chỉ số rủi ro nhất định, mà để hạn chế điều này, chỉ có con người làm được mà thôi. Không nằm ngoài quy luật đó, công nghệ điện hạt nhân đang phát triển nhanh chóng song điều đó không có nghĩa là công nghệ có thể thay thế con người. Đặc biệt đối với an toàn hạt nhân, yếu tố con người cực kỳ quan trọng. Thông tin KHCN ngày càng trở nên phổ biến, nhất là khi có Internet, vậy nên, hiện người ta không đặt vấn đề lấy thông tin ở đâu mà là nắm bắt, sử dụng thông tin đó ra sao. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra không chỉ với những cán bộ làm trong ngành hạt nhân mà cả với những cán bộ KHCN nói chung, cần phải hiểu rõ công nghệ, từ đó làm chủ được nó. Một điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam là thiếu tác phong công nghiệp. Vì thế, với đội ngũ sinh viên, trí thức trẻ trong ngành hạt nhân phải được tiếp cận với văn hóa hạt nhân ngay từ bây giờ. Một trong những điều tốt nhất là nên đưa sinh viên ra học tập ở nước ngoài. - Theo GS, những người theo học ngành điện hạt nhân có triển vọng phát triển nghề nghiệp, sự nghiệp ở Việt Nam hay không? - Tôi cho rằng, ngành hạt nhân cần nhiều chuyên gia có chất lượng, chuyên sâu nên cơ hội không thiếu đối với những người có quyết tâm và đam mê. Có nhiều người đã từng hỏi tôi: “Tại sao năm năm trước hay mười năm trước tôi không về nước mà bây giờ tôi mới về nước?”- Tôi xin trả lời ngay, đó là bởi Việt Nam bây giờ mới có nhu cầu trong lĩnh vực hạt nhân. Bên cạnh đó, ngành hạt nhân là một ngành có mối liên hệ với nhiều ngành nghề khác như công nghệ nano, cơ khí, điện lạnh... Người học ngành điện hạt nhân, vì thế, sẽ không chỉ có cơ hội việc làm trong ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, để thu hút nhân lực điện hạt nhân, chúng ta phải có những chính sách thu hút cụ thể và chính sách ấy phải tạo ra những con người hiểu công nghệ.
Không khí giao lưu giữa GS Đinh Trúc Nam và các bạn sinh viên tại buổi tọa đàm - Là một nhà khoa học làm việc tại nước ngoài, vậy GS có mong muốn trở lại Việt Nam làm việc không? - Tất nhiên là có chứ. Nơi tôi đang nói chuyện với các bạn- Đại học Bách khoa chính là ngôi trường tôi từng theo học. Trở về Đại học Bách khoa tôi có cảm giác như trở về với ngôi nhà của mình bởi ở đây cha tôi cũng từng giảng dạy ở đây. Tôi mong muốn sẽ được tham gia trao đổi, cộng tác với Chính Phủ Việt Nam để giúp Việt Nam tiệm cận với công nghệ hạt nhân tiên tiến của thế giới. Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ tiếp tục làm việc ở nước ngoài để tiếp xúc với đỉnh cao công nghệ hạt nhân, sau đó sẽ kết nối với trong nước, chia sẻ, trao đổi để giúp Việt Nam tiếp cận được với công nghệ của thế giới. Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị! Bài và ảnh: Minh Châu |