Bản in
Sự phục hưng điện hạt nhân
Theo TSKH Võ Văn Thuận, Nguyên Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân, nguyên thành viên Tổ công tác Chính phủ về nghiên cứu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, phát triển điện hạt nhân là xu thế tất yếu trong 30 - 50 năm nữa.

Cách đây không lâu, một số chuyên gia cho rằng điện hạt nhân phải từng bước bị loại bỏ khỏi đời sống loài người, thay vào đó phải nhanh chóng tìm ra những nguồn năng lượng sạch tái tạo. Ý kiến này được càng có tính thuyết phục khi mà Đức, Thụy Điển… đều có kế hoạch tiến tới loại bỏ điện hạt nhân.

Nhưng 10 năm nay, một xu hướng ngược lại đã hình thành rõ nét. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng cho đến 30 năm hoặc 50 năm nữa, chúng ta chưa có công nghệ nào thay thế và khó có thể hình dung thế giới có đủ năng lượng để tồn tại và phát triển bền vững mà không có thành phần điện hạt nhân.

Cùng với Nhật Bản, Pháp và một số nước luôn duy trì ổn định điện hạt nhân… hiện 2 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra chương trình mới về phát triển điện hạt nhân dài hạn. Những cú hích đó làm cho quá trình “phục sinh” điện hạt nhân hiện rõ.
Có mấy lý do để lời dự báo phục hưng điện hạt nhân phải trở thành hiện thực vào thập niên trước mắt:

Đầu tiên, kinh tế châu Á đang phát triển sôi động, những quốc gia trên đà công nghiệp hóa như Việt Nam rất cần điện năng. Những nguồn phát có công suất đủ lớn để đóng vai trò chỗ dựa cho nền kinh tế này hiện nay cũng chỉ bao gồm than, dầu, khí, thủy điện và điện hạt nhân.

Nếu chỉ nói rằng phải phát triển năng lượng sạch tái tạo để thay thế các năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân “nguy hiểm” thì vô tình hay cố ý chúng ta đã không thấy được hai điểm yếu mà năng lượng tái tạo không thể cạnh tranh với những nguồn truyền thống kể trên, ít nhất trong vài ba chục năm sắp tới về giá thành và quy mô công suất. Suất đầu tư cho năng lượng tái tạo hiện nay rất cao, khó cạnh tranh nổi điện truyền thống (có thể hy vọng là trong tương lai, chúng sẽ dần dần rẻ hơn nhờ đưa vào ứng dụng những công nghệ và vật liệu mới). Mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt… đều là những nguồn đáng quan tâm nghiên cứu và nên từng bước sử dụng một cách hợp lý. Tuy nhiên, yếu tố hàng đầu hạn chế khả năng chúng thay thế các nguồn truyền thống chính là vì chẳng có nguồn nào trong các năng lượng tái tạo đủ phát được công suất xứng đáng cho một nền công nghiệp hóa quy mô cấp quốc gia đáng kể.

Chính vì vậy, nếu lúc này chúng ta có coi trọng và quan tâm đến các nguồn năng lượng tái tạo thì cũng chỉ nên dùng chúng để cân đối vừa phải, hợp lý trong tổng sơ đồ nguồn phát điện phục vụ cho những nhu cầu quy mô nhỏ và trước hết ưu tiên các nguồn phát loại này cho những vùng hẻo lánh, xa xôi mà lưới điện quốc gia khó với tới.

Tiếp theo, năng lượng cho những nguồn điện truyền thống không phải là vô tận: thủy điện đã được khai thác rất triệt để ở nhiều quốc gia; các nguồn hóa thạch là than, dầu, khí có nguy cơ cạn kiệt. Như vậy việc tìm kiếm các nguồn khác đủ lớn để thay thế cho các nguồn truyền thống này là hết sức cấp bách. Tình hình Việt Nam chúng ta không phải là một ngoại lệ, cả thủy điện và dầu khí đều đang đi tới giới hạn trữ lượng khai thác ngay trong thập niên này.

Yếu tố thứ hai bắt buộc phải tính đến là vấn đề môi trường. Trong 30 năm nay, toàn nhân loại càng ngày càng nhận thức rõ hơn mặt trái tàn phá môi trường do quy mô và tốc độ công nghiệp hóa. Một trong những vấn đề mang tính toàn cầu là sự ấm lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính bởi lớp khí carbonic ngày càng dày đặc trên thượng tầng khí quyển. Thủ phạm hàng đầu gây ra hiệu ứng này được coi là do các nguồn phát điện bằng đốt than. Hai nước có tổng lượng phát thải lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.

Trong đó Trung Quốc là nước đang phát triển nóng trên đà công nghiệp hóa với tốc độ tăng GDP hàng năm lên tới 12 - 13 %, nhưng cũng là quốc gia mà theo số liệu của Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA), đã đóng góp đến 14% tổng phát thải trong thập niên này và còn có thể lên đến 19% tổng phát thải khí vào năm 2030. Người Trung Quốc hãnh diện về thành tựu phát triển kinh tế, nhưng cũng đang đau đầu khi bầu trời trên bản đồ nước họ bị tô đỏ do độ đậm đặc khí carbonic phát thải và bởi kỷ lục tai nạn hầm mỏ khai thác than làm chết hàng nghìn thợ mỏ mỗi năm.

Nếu tạm gác khả năng mở rộng điện khí và thủy điện do trữ lượng tài nguyên này đang cạn kiệt, chúng ta hãy so sánh điện than và điện hạt nhân. Đồng ý rằng, đầu tư cho điện than rất rẻ (khoảng 700 đến 1.200 USD/kWe), chỉ khoảng 30 - 50% đầu tư cho điện hạt nhân. Tuy nhiên nếu tính cả phí vận hành thì điện than bị đội giá lên đáng kể. Hơn nữa, giá phải trả do hậu quả ô nhiễm môi trường có thể lớn vượt bậc ngoài dự tính.

Thí dụ như ở Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong thập niên vừa qua do điện than chiếm gần 80% công suất, nó cũng đè nặng lên vai người Trung Quốc nguy cơ tổn thất có thể đến 6% GDP hàng năm do ô nhiễm môi trường mà nguồn năng lượng hóa thạch này tạo ra. Bây giờ nếu so với than và cả các nguồn khác sạch hơn như thủy điện và điện khí, chúng ta sẽ thấy ngoài điện hạt nhân thì không có nguồn công suất lớn nào đáp ứng được một yêu cầu có tính toàn cầu hiện nay về cắt giảm khí nhà kính, bảo vệ cho trái đất khỏi nóng nhanh lên trong thế kỷ 21 này.
 
Mặc dù suất đầu tư của điện hạt nhân còn khá cao, từ 1500 đến 3000 USD/kWe. Cũng như bất cứ công nghệ nào, phát triển điện hạt nhân nghĩa là phải chấp nhận và từng bước khắc phục những nhược điểm của nó. Đó là phải nâng cao độ an toàn và loại trừ tai nạn hạt nhân gây thảm họa môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và làm chủ việc bảo quản xử lý nhiên liệu phóng xạ sau khi đã cháy. Hai mươi năm qua ngành điện hạt nhân đã có tiến bộ vượt bậc để đáp ứng rất cơ bản những yêu cầu đặt ra như vậy.

Đó chính là động lực để các nước công nghiệp và nhiều nước mới phát triển đang chuẩn bị và hướng tới chương trình điện hạt nhân, mở ra thời kỳ mà người ta gọi là “phục sinh” điện hạt nhân sau thoái trào từ vụ Chernobyl.

Đất Việt