Bản in
Dược chất cho cuộc chiến chống ung thư
Trong khuôn viên của Lò Phản ứng Hạt nhân Đà Lạt là một trung tâm - nơi duy nhất trong nước sử dụng công nghệ hạt nhân để sản xuất những dược chất cung cấp các bệnh viện trong nước cho cuộc chiến chống ung thư.

Được thành lập từ năm 2005 với tên gọi đầy đủ “Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế Đồng vị Phóng xạ”, Trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt này có chức năng nghiên cứu, sản xuất các đồng vị phóng xạ và các dược chất phóng xạ dùng trong y học, đặc biệt là các sản phẩm dùng chẩn đoán, điều trị căn bệnh nan y ung thư.

Ngay từ tháng 3/1984, khi đưa lò Phản ứng Hạt nhân Đà Lạt hoạt động trở lại, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã bắt đầu sản xuất các chất phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, sinh học, thủy văn, sa bồi, giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học... Đặc biệt, Viện đã đẩy mạnh việc sản xuất các đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu cho chẩn đoán và điều trị bệnh. Bằng cách chiếu xạ kích hoạt hạt nhân các đồng vị bền bằng neutron trên lò phản ứng hạt nhân và tiếp đến là công nghệ xử lý hoá phóng xạ, các chất phóng xạ thu được là những đồng vị có thời gian sống ngắn và trung bình dùng trong y học hạt nhân.

Để hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực y học hạt nhân, năm 1987, Cơ quan Nguyên tử năng lượng Quốc tế (IAEA) đã cung cấp cho Viện một số thiết bị sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y học như dây chuyền công nghệ sản xuất đồng vị I -131 (điều trị bệnh lý tuyến giáp), dây chuyền máy phát Tc- 99 m (dùng chẩn đoán hình ảnh trong các cơ quan nội tạng), dây chuyền sản xuất P- 32... Hầu hết các thiết bị này đã được Viện và Trung tâm sử dụng một cách hiệu quả, đến nay Trung tâm đã dần thay thế bằng những thiết bị hiện đại hơn.

Theo thạc sỹ Dương Văn Đông, Giám đốc Trung tâm, dựa vào hoạt động của lò phản ứng hạt nhân (có công suất 500 KW), Trung tâm trong vài năm gần đây đã đưa mức sản xuất từ 20 Ci (đơn vị đo phóng xạ) như trước lên 50 Ci/tháng nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho thị trường trong nước. Hiện Trung tâm đã sản xuất được trên 30 sản phẩm khác nhau cho y học hạt nhân, chủ yếu là cho điều trị ung thư. Trung tâm hiện là nhà cung cấp chính cho 25 khoa Y học hạt nhân tại các bệnh viện trong cả nước. Khách hàng thường xuyên của Trung tâm có thể kể đến những bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Pháp - Việt, Bệnh viện Chợ Rẫy… ở TP HCM, Bệnh viện Bạch Mai, Quân Y viện 108, Quân Y viện 103, Bệnh viện K… tại Hà Nội cùng hàng loạt các bệnh viện tuyến tỉnh lớn tại các tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Khánh Hoà… Cũng cần biết rằng trên 90% chất phóng xạ sản xuất trên lò phản ứng hạt nhân hiện nay được dùng vào mục đích y học.

Theo ông Đông, có thể chia các sản phẩm y học chống ung thư đang sản xuất của Trung tâm thành 3 nhóm: Nhóm đầu là những đồng vị phóng xạ như I -131, Tc- 99m (đánh dấu hoạt chất đưa vào người bệnh nhân), P- 32, Lu- 177, Sm - 153… Nhóm thứ 2 là các dược chất phóng xạ gồm các chất hữu cơ đánh dấu đưa vào cơ thể cho chẩn đoán và điều trị, chẳng hạn như MiB6 - I 131 dùng điều trị ung thư tuyến thượng thận; như 153 Sm - EDTMP điều trị giảm đau khi ung thư di căn, đáp ứng được việc giảm đau với thời gian từ 3 tháng đến 1 năm lâu hơn rất nhiều so với dùng thuốc giảm đau thông thường; như Luticium L-177 gắn với EDTMP dùng điều trị giảm đau trong ung thư đồng thời có khả năng tiêu diệt khối u và theo dõi được bệnh trong quá trình điều trị nhờ phát tia Gamma… Nhóm 3 là các hợp chất chất hữu cơ không dùng phóng xạ.

Về cơ bản, Trung tâm đến nay đã cơ bản sản xuất được các dược chất phóng xạ dùng chẩn đoán, điều trị cho khá nhiều loại ung thư, cung cấp khoảng 60% nhu cầu trong nước (40% còn lại là sản phẩm nhập từ nước ngoài). Doanh thu hằng năm của Trung tâm trên 10 tỷ đồng. Tất cả sản phẩm của Trung tâm đều sản xuất dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của IAEA về an toàn phóng xạ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng với một giá thành thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập nội cùng loại tương tự, thậm chí có sản phẩm giá chỉ bằng 1/10. “Đây là một điều rất có ý nghĩa với chúng tôi. Không ít bệnh nhân ung thư là người nghèo, kiệt quệ tài sản để chạy chữa bệnh tật và họ hầu như ít có những chọn lựa. Giá dược chất và các sản phẩm nhập ngoại quá cao, tất cả đều đổ lên đầu người bệnh. Công nghệ của chúng tôi ngang tầm thế giới nhưng giá thành sản phẩm làm ra khá phù hợp, bệnh nhân nghèo cũng có thể tiếp cận được” - ông Đông nói.

Để đa dạng hoá các sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các khoa Y học Hạt nhân trong nước, trong những năm gần đây, Trung tâm đã trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại như máy sắc ký bản mỏng (trên 500 triệu đồng), máy sắc ký lỏng cao áp (4, 5 tỷ đồng) dùng kiểm tra chất lượng sản phẩm; lắp thêm máy phát đồng vị phóng xạ Tc-99 m từ Hàn Quốc (2,5 tỷ đồng), xây dựng hệ thống phòng sạch có trang bị các thiết bị sinh hoá vô trùng phục vụ điều chế các hoá chất đông khô… “Chúng tôi đang hướng đến chuẩn GMP (sản phẩm sản xuất tốt) cho tất cả sản phẩm của mình” - ông Đông cho biết.

Theo đề nghị của Trung tâm, sắp đến Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt sẽ đưa mức hoạt động của lò phản ứng hạt nhân từ 102 giờ lên 150 giờ mỗi tháng để đáp ứng việc sản xuất của Trung tâm. Cùng đó, theo ông Đông, Trung tâm cũng có kế hoạch nâng lên doanh nghiệp, một doanh nghiệp đặc thù chuyên về khoa học công nghệ. “Lên doanh nghiệp sẽ có điều kiện hơn cho chúng tôi trong việc tiếp cận thị trường, chủ động đưa ra các sản phẩm mới, tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài chứ không chỉ luẩn quẩn trong thị trường nội địa”. Khi hình thành doanh nghiệp, Trung tâm sẽ rất cần thêm nhân lực trình độ cao, nhất là người tốt nghiệp từ trường dược và y học hạt nhân về đây công tác.