Bản in
Cần có cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép xuyên suốt các giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân
Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với tình hình phát triển điện hạt nhân nhưng so với thực tế phát triển cần phải sửa đổi bổ sung để đáp ứng yêu cầu đang đặt ra.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến khẳng định như trên tại hội thảo khoa học “Sơ kết 3 năm thi hành Luật Năng lượng nguyên tử” tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội.

Luật Năng lượng nguyên tử đã kịp thời tạo khung pháp luật để thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng NLNT và phát triển điện hạt nhân của Đảng và Nhà nước. Lần đầu tiên nước ta có một đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về NLNT, đặc biệt là về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân.

Trong 3 năm được thi hành, Luật NLNT đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp, và người dân về vai trò của ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cũng như tầm quan trọng của đảm bảo an toàn, an ninh cho các ứng dụng đó.


Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, luật NLNT đã bộc lộ một số quy định chưa phù hợp mang tính nguyên tắc cần phải chỉnh sửa như: Chưa có cơ quan chịu trách nhiệm cấp phép xuyên suốt các giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân. Thực tế hiện nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm, Bộ KH&CN cấp phép xây dựng, Bộ Công thương cấp phép vận hành, cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân phê duyệt kế hoạch tháo dỡ... Do đó  việc sửa đổi, bổ sung luật NLNT là rất cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc sửa đổi và bổ sung Luật NLNT sẽ khắc phục những bất cập, vướng mắc, không khả thi bộc lộ trong quá trình thi hành luật; bổ sung, đảm bảo quy định đầy đủ các nội dung cơ bản theo yêu cầu quản lý, phù hợp với luật pháp quốc gia và thông lệ quốc tế,…

Được biết, trước đó, các cuộc làm việc của đoàn chuyên gia IAEA đã khuyến cáo cần định hướng sửa đổi, bổ sung Luật NLNT theo 3 vấn đề: Thiết lập cơ quan pháp y độc lập, có hiệu lực (trên cơ sở các cơ quan, tổ chức hiện có) với thẩm quyền và nguồn lực cần thiết để thực thi đầy đủ các trách nhiệm quản lý được pháp luật quy định; Xác định rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến chương trình điện hạt nhân; Sửa đổi, bổ sung có quy định đầy đủ về: Ứng phó sự cố; Quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã cháy; Chấm dứt hoạt động và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân; An ninh hạt nhân; Thanh sát hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.   

Tin và ảnh: Minh Châu