Bản in
'Điện hạt nhân Ninh Thuận ít bị tác động sóng thần'
Ngày 10/12, tại Ninh Thuận, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo đánh giá tác động của sóng thần xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh về động đất, sóng thần và những tác động của động đất, sóng thần quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; làm cho nhân dân trong tỉnh hiểu rõ, hiểu đúng và tin tưởng hơn vào chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tìm hiểu một số vấn đề cơ bản về động đất, sóng thần, động đất kích thích, một số dạng phá hủy trong động đất mạnh, công tác tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra động đất, các biện pháp phòng tránh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra...

Đánh giá về những ảnh hưởng của động đất, sóng thần đến bờ biển Ninh Thuận, Phó giáo sư-tiến sỹ Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam cho biết Việt Nam không phải là quốc gia có hoạt động động đất mạnh. Ninh Thuận là vùng tương đối ổn định về địa chấn, động đất và sóng thần ở đây gần như không có. Từ trước đến nay, Ninh Thuận chỉ xảy ra một số trận động đất với cường độ rất nhỏ (dưới 3 độ Richter), nên không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Theo kế hoạch, Việt Nam xây dựng 8 nhà máy điện hạt nhân ở 5 tỉnh, trong đó Ninh Thuận được chọn là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bởi tỉnh này được đánh giá là vùng ổn định nhất.

Vấn đề mà các đại biểu cũng như người dân quan tâm nhất là nếu xảy ra động đất, sóng thần thì vùng biển Ninh Thuận bị ảnh hưởng như thế nào khi đới đứt gãy kinh tuyến 109-110 trên biển Đông cách vị trí dự kiến xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khoảng 80km và 100km. Bên cạnh đó, ở vùng xung quanh như Manila (Philippines) có 6 đới hút chìm.

Đề cập đến vấn đề này, Phó giáo sư-tiến sỹ Cao Đình Triều cho biết đới đứt gãy kinh tuyến 109-110 trên biển Đông gần với địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đới đứt gãy trượt, nên khả năng gây sóng thần rất nhỏ. Điều kiện cơ bản có thể xảy ra sóng thần là đới đứt gãy lớn và chuyển động thẳng đứng, đồng thời vùng biển phải sâu với lượng nước lớn. Vì thế, đới đứt gãy kinh tuyến 109-110 nếu có hoạt động tạo ra sóng thần thì chỉ là sóng thần nhỏ dưới 4m, khả năng lan truyền tới vùng biển Ninh Thuận từ 30-45 phút.

Đối với những đới đứt gãy ở vùng biển Manila (Philippines), các nhà khoa học đặt trường hợp cả 6 đới đứt gãy cùng hoạt động gây ra sóng thần thì mức sóng thần cao nhất là 4-5m, thời gian lan truyền tới vùng biển Việt Nam mất khoảng 2 giờ, và tác động nặng nhất vào vùng biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng. Vì vậy, khả năng vùng biển Ninh Thuận bị tác động sẽ thấp hơn.

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đánh giá lại một cách kỹ càng tác động của đới đứt gãy kinh tuyến 109-110 để đảm bảo mức an toàn cao nhất cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận./.