Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, vấn đề an toàn, an ninh cho điện hạt nhân đã trở thành vấn đề cấp thiết hơn lúc nào hết. Tất cả các quốc gia đều được cảnh báo phải tăng cường cơ sở hạ tầng đảm bảo an toàn, an ninh cho điện hạt nhân.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước có ngành công nghiệp điện hạt nhân tiên tiến, trong đó có Liên bang Nga và Nhật Bản. Việt Nam coi đây là một trong những nhân tố quan trọng, đảm bảo thực hiện thành công dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong những thập kỷ tới ngày càng lớn, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, Việt Nam đã quyết định phát triển chương trình điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ chính sách đa dạng hóa và phát triển cơ cấu năng lượng bền vững.
Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia đã được phê duyệt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành năm 2020 và đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.700 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất điện và đóng góp khoảng 10% vào tổng sản l ượng điện quốc gia. Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định liên chính phủ với Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 1 và số 2 tại Ninh Thuận.
Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đảm bảo an toàn, an ninh ở mức cao nhất, đặc biệt là từ sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, Nhật Bản.
"Việt Nam thể hiện cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế thông qua việc tham gia tích cực các điều ước quốc tế và các sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh.
Trình bày về tình hình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, ông Đoàn Thế Vinh, Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, các nguồn năng lượng chủ yếu tại Việt Nam hiện nay là: than, dầu, thủy điện, năng lượng tái tạo (địa-nhiệt, năng lượng mặt trời, phong điện, năng lượng sinh khối, trữ lượng Uranium).
Chủ trương về phát triển điện hạt nhân của Việt Nam tập trung vào các điểm: Phát triển các nhà máy điện hạt nhân dân sự vì mục đích hòa bình; Phát triển điện hạt nhân dựa trên công nghệ tiên tiến, đã được kiểm chứng và tuân theo kế hoạch dài hạn để xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam; Phát triển điện hạt nhân cần đảm bảo an toàn của con người và môi trường…
Bên cạnh đó, ông Đoàn Thế Vinh đã chỉ ra một số hạn chế trong hiện trạng cơ sở hạ tầng hạt nhân tại Việt Nam. Về quản lý, Việt Nam còn thiếu hụt đội ngũ chuyên gia kỹ thuật - tài chính có trình độ cao đáp ứng được yêu cầu của dự án lớn và phức tạp như dự án điện hạt nhân. Về nguồn nhân lực, nước ta còn thiếu hụt các cơ sở đào tạo đạt yêu cầu cho đào tạo điện hạt nhân. Một số trường đại học chỉ mới mở các chương trình đào tạo công nghệ hạt nhân trong thời gian gần đây…
Các hoạt động hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân và quan hệ hợp tác trong tương lai về lĩnh vực an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân hai nước đã được đề cập đến... Đây là những điều kiện quan trọng để một quốc gia phát triển điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh, có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng quốc tế.
Là một quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân, Việt Nam đang tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia các điều ước quốc tế; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế phục vụ Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Trước đó, tại hội thảo "Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân" vừa diễn ra tại Hà Nội do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Cơ quan Năng lương nguyên tử quốc tế (IAEA), Bộ Công thương và các Bộ, ngành liên quan tổ chức, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh: Việt Nam luôn cọi trọng tăng cường mở rộng hợp tác với cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và các nước trong lĩnh vực điện hạt nhân, trong đó có Nhật Bản và Liên bang Nga. Việt Nam coi đây là một trong những nhân tố quan trọng trong việc thực hiện thành công Dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, cán bộ, quản lý và xử lý chất thải, các quy trình thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, xây dựng điều ước quốc tế…
Đây sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam tìm hiểu và học hỏi từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Liên bang Nga những vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết, đảm bảo sự thành công của Dự án điện hạt nhân đầu tiên và sự phát triển lâu dài của Việt Nam trong tương lai.
|