|
|||
Pháp tuyên bố hợp tác với Nhật cung cấp lò phản ứng cho Ninh Thuận 2 Việt Nam đã lựa chọn hai đối tác Nga và Nhật Bản để cung cấp công nghệ cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Và trong cuộc họp báo, ông Bernard Bigot, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Pháp về Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế (CEA) cho biết, Pháp sẽ hợp tác cùng Nhật Bản để cung cấp lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử thứ hai cho Việt Nam. Ông Bigot nhấn mạnh, đây là sự thỏa thuận giữa chính phủ Pháp và Nhật Bản. Pháp sẽ cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện này, cũng như tham gia chuyển tải điện từ khu vực hạt nhân ra khu vực tuabin. Và cả hai nước Nhật – Pháp cũng sẽ cùng đào tạo nhân lực cũng như chuyển giao những kinh nghiệm của mình cho phía Việt Nam.
Chủ tịch CEA Bernard Bigot.
Mặc dù một số nước như Đức, Nhật… đang dần thu hẹp sự lệ thuộc vào điện hạt nhân, nhưng ông Bigot cho biết, Pháp vẫn chủ trương sử dụng điện hạt nhân như một nguồn cung cấp năng lượng chính của mình, điện hạt nhân chiếm 70% nguồn năng lượng của nước này. Chủ trương phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ Pháp đưa ra từ những năm 70 trong khi tìm nguồn thay thế cho năng lượng hóa thạch. Theo ông Bigot, nếu không sử dụng điện hạt nhân, giờ đây 92% nguồn nhiên liệu hóa thạch của Pháp sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài. “Những nước có nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân trước sự cố Fukushima thì sau khi xảy ra sự cố họ vẫn cần. Tuy nhiên, sau sự cố, yêu cầu về an toàn đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết”, ông nói. Ông Bigot lấy Đức, một nước đang đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân làm thí dụ. Vì không sử dụng điện hạt nhân, nên nước này đã phải xây dựng 20 nhà máy nhiệt điện chạy than, tương đương 23 tỷ KWH. Điều này cho thấy một nước phát triển như Đức vẫn đang phải lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Còn Nhật Bản, sau sự cố Fukushima, trước phản ứng của người dân, nước này đang giảm dần sự phụ thuộc vào điện hạt nhân, nhưng sau đó vì nnhu cầu năng lượng nên vẫn quyết định xây dựng thêm ba nhà máy điện hạt nhân mới. Điều này cho thấy, giữa mong muốn và hiện thực có khoảng cách rất xa. Và đối với Pháp, năng lượng hạt nhân có ưu thế lớn, vì thế Pháp không có lý do nào để từ bỏ phát triển điện hạt nhân một cách hợp lý và an toàn. Và công nghệ hạt nhân hiện nay của Pháp cho phép nếu sự cố xảy ra như Fukushima thì cũng không có nguy cơ lọt phóng xạ ra ngoài, ông Bigot tuyên bố. Atmea 1 mới chỉ là một “đối thủ nặng ký”
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Atmea Phillips Namy.
Tại cuộc họp báo, ông Phillips Namy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Atmea cho biết, lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ sử dụng lò Atmea 1, là công nghệ lò phản ứng áp lực nước (REP) công suất 1100 Mwe. Đây là sản phẩm của sự hợp tác giữa hai nhà cung cấp công nghệ điện hạt nhân của Pháp và Nhật Bản là Areva và Misubishi. Ông Namy cho biết, hai doanh nghiệp này đã có quan hệ hợp tác từ lâu và mới đây đã quyết định cùng nhau phát triển công nghệ lò Atmea 1qua việc thành lập Công ty liên doanh Atmea vào tháng 11-2007. Lò Atmea 1 vừa được Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân Pháp cấp chứng nhận vào đầu năm 2012 sau 18 tháng kiểm thử. Theo ông Namy, khoảng thời gian kiểm thử công nghệ mới này cũng là khoảng thời gian xảy ra sự cố Fukushima. Vì thế, Cơ quan an toàn năng lượng hạt nhân Pháp đã kiểm tra lò phản ứng này có chống chọi được những sự cố xảy ra như sự cố ở Fukushima hay không, và Atmea 1 đã vượt qua. Việc hợp tác với Nhật Bản để cung cấp lò phản ứng cho phía Việt Nam trong khi các hợp phần béo bở khác vẫn thuộc về “chủ nhân” hợp pháp là Nhật Bản, theo ông Namy, cũng không vấn đề gì, và Pháp tham gia không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Trả lời câu hỏi của phóng viên những công bố này của phía Pháp, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, phía Việt Nam chưa quyết định chọn lò phản ứng nào cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Tuy nhiên, trong số những công nghệ của Nhật Bản đưa ra để phía Việt Nam cân nhắc, ngoài những công nghệ có nguồn gốc hoàn toàn từ Nhật Bản thì có lò phản ứng Atmea 1 là liên doanh giữa Nhật và Pháp. Và Atmea 1 cũng đang là một “đối thủ nặng ký”. Việc Pháp công bố thông tin này là thể hiện mong muốn của Pháp, nếu chọn Atmea 1 thì sẽ có phần của Pháp trong đó. Nhưng quyết định cuối cùng là thuộc về Việt Nam.
|