Bản in
"Nhân lực điện hạt nhân đang rất đáng lo ngại"
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, "việc đầu tiên cần làm để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho điện hạt nhân ở Việt Nam chính là sớm công bố các chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ những người đã và sẽ làm việc trong lĩnh vực này."

Nhân lực là một trong những vấn đề mấu chốt trong việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân. Điều này càng rõ ràng hơn ở một quốc gia đang phát triển, còn nghèo và trình độ dân trí ở đại bộ phận dân cư còn thấp như ở Việt Nam.

Không thể phủ nhận rằng, một trong lý do tồn tại của “xu hướng không đồng thuận” (lời Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân) chính là những lo lắng về vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực đủ trình độ kỹ thuật và kỷ luật cho việc tiếp nhận và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, theo kế hoạch là vào năm 2020.

Theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân đã được phê duyệt, khi bắt đầu vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020, Việt Nam cần không dưới 2.200 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân.

Trong số 2.200 kỹ sư sẽ có 200 người tốt nghiệp tại nước ngoài, 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành này, trong đó 150 người đào tạo ở các nước có ngành điện hạt nhân phát triển.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho rằng, những người làm việc trong ngành điện hạt nhân phải là những người có trình độ, phải qua quá trình tuyển chọn khắt khe bởi “đây là lĩnh vực đòi hỏi những điều kiện khó khăn hơn”.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, dường như việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân lại đang gặp phải những vấn đề “đáng lo ngại”.

Đáng lo ngại

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Đại học Điện Lực (ĐHĐL) là một trong số 6 cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân. Tuy nhiên, vào năm đầu tiên tuyển sinh, năm 2010, với điểm chuẩn là 15,5 không hề cao so với các ngành khác cũng như mặt bằng chung của khối A, song trường này chỉ tuyển được 14 trong tổng số 50 chỉ tiêu.

Trường ĐHDL đã phải tuyển thêm nguyện vọng 2 mới có đủ 58 sinh viên cho khóa học đầu tiên. Các khóa 2011, 2012, ĐHĐL cũng đều phải tuyển sinh nguyện vọng 2 mới đủ chỉ tiêu.

Điều đáng nói là trong số 58 sinh viên của khóa đầu tiên, sau 3 năm, tới nay, chỉ còn lại 40 học sinh theo học. Trong đó, ngoài một số sinh viên được đưa ra nước ngoài học tập, còn lại là sinh viên chuyển sang các khoa khác vì không theo được chương trình học.

Các cơ sở đào tạo khác cũng gặp phải các vấn đề tương tự. Năm 2012, Đại học Đà Lạt tuyển sinh khóa đầu tiên cho ngành Kỹ thuật hạt nhân. Tuy nhiên, với mức điểm chuẩn chỉ là 16,5, trường cũng chỉ có được 10 thí sinh đạt yêu cầu trên tổng số chỉ tiêu là 30.

Điểm chuẩn của các ngành điện hạt nhân tại các cơ sở đào tạo khác như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cũng ở mức thấp, chỉ từ 17- 18 điểm.

Như vậy, rõ ràng là sau 3 năm tổ chức đào tạo, ngành điện hạt nhân vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với các sinh viên. Điều quan trọng hơn, với tình trạng đầu vào thấp như hiện nay, rất khó để đảm bảo rằng, các cơ sở đào tạo trong nước có thể đảm bảo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.  

Vấn đề nằm ở chính sách?

Giải thích hiện trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách đối với người đi học và người sẽ được làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và nhà máy điện hạt nhân nói riêng, cho đến giờ phút này vẫn chưa công bố một cách công khai để tạo động lực và sự hấp dẫn đối với cán bộ trong lĩnh vực này.

“Chúng tôi cho rằng, nếu sớm công bố công khai chế độ đãi ngộ đối với những người đi học và sau này làm việc trong nhà máy điện hạt nhân thì việc tuyển chọn người đi học và làm việc chắc chắn thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Quân nói.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quân, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở chính sách. Ông Dũng cho rằng, một khi có chế độ đãi ngộ hấp dẫn thì không chỉ ngành điện hạt nhân mà bất cứ ngành nào cũng sẽ thu hút được sinh viên theo học.

Trên thực tế, khi tuyển sinh các ngành điện hạt nhân, các cơ sở đào tạo cũng đã đưa ra nhiều ưu đãi như học bổng, các ưu tiên,… song việc lựa chọn thí sinh có đầu vào chất lượng vẫn khá khó khăn. Chẳng hạn như năm 2012, trường ĐHĐL đưa ra học bổng 1 triệu đồng/tháng và được ưu tiên ở ký túc xá của trường. Tuy nhiên, trường cũng chỉ tuyển được 17 thí sinh trên tổng số 50 chỉ tiêu.

Thêm vào đó, việc công bố những chính sách đãi ngộ có thể tạo nên sự hấp dẫn đủ để đảm bảo về mục tiêu về “lượng” song vấn đề chính lại nằm ở “chất”. Do vậy, để giải quyết vấn đề nhân lực cho điện hạt nhân, trong quá trình lựa chọn, bên cạnh yêu cầu “tự nguyện”, chúng ta còn cần đảm bảo những yêu cầu khắt khe về mặt trình độ. Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những nguồn lực người Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân ở nước ngoài, đặc biệt là những người có tâm huyết với sự phát triển của đất nước.