|
|||
Tuy nhiên, Việt Nam đã thể hiện cam kết và quyết tâm nhất quán về việc phát triển điện hạt nhân với các dự án đầu tiên là Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 trong đó đảm bảo an toàn được xem là ưu tiên hàng đầu. Xu hướng tất yếu Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ như trên tại Hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” do Bộ KH&CN và IAEA phối hợp tổ chức ngày 23/8 tại Hà Nội. Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Quân, ông Alexander Bychkov cho rằng, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã khiến niềm tin của công chúng về điện hạt nhân đã bị lung lay. Trong khi một số quốc gia vẫn đang tiếp tục kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đồng thời nghiên cứu áp dụng các bài học rút ra từ sự cố Fukushima thì không ít quốc gia đã quyết định tạm dừng phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, những quốc gia mới thực sự có ý định phát triển điện hạt nhân vẫn duy được mối quan tâm của họ ở mức cao, trong đó có Việt Nam. Đến giữa tháng 8/2012 có 435 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia trên thế giới với tổng công suất lắp đặt đạt 370 GWe. Ngoài ra, còn có 62 tổ máy đang được xây dựng. “Sau sự cố có thể sẽ làm chậm lại hoặc trì hoãn việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhưng sẽ không thể đảo ngược đà phát triển của điện hạt nhân trong tương lai” ông Alexander Bychkov nói. Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima đưa vấn đề đảm bảo an toàn cho điện hạt nhân trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và tất cả các quốc gia đều được cảnh báo là phải tăng cường cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn, an ninh cho điện hạt nhân. Mặc dù, các thế hệ nhà máy điện hạt nhân hiện nay đã an toàn hơn rất nhiều lần nhưng Việt Nam vẫn yêu cầu các nhà máy điện hạt nhân phải an toàn hơn nữa so với dự kiến ban đầu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Việt Nam đã quyết tâm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dân sự vì mục đích hòa bình, an toàn cho con người, môi trường đảm bảo an ninh năng lượng. Đến năm 2020, khi tổ máy đầu tiên có công suất 1.000 MW hoạt động thì chỉ đảm bảo 1,6% tồng sản lượng điện quốc gia và đến năm 2030 khi 10 tổ máy đi vào hoạt động với công suất trên 10 nghìn MW thì điện hạt nhân cũng mới chỉ đảm bảo khoảng hơn 6% tổng sản lượng điện quốc gia. Như vậy, Việt Nam vẫn phụ thuộc trên 90% sản lượng điện từ các nguồn truyền thống như nhiệt điện, thủy điện và một phần nhỏ từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, sóng biển, năng lượng gió… Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả đổi với báo giới bên lề Hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” tại Hà Nội ngày 23/8 Theo dự báo của Tổng cục năng lượng (Bộ Công thương) nhu cầu năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt trên 250 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), tăng gấp 5 lần so với năm 2009. Trong khi đó, từ nay đến năm 2020 Việt Nam sẽ khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn, tài nguyên các nguồn năng lượng hóa thạch (than đá, dầu khí) có hạn và dự kiến sau 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho điện và cùng với đó là Việt Nam sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung và giá nhiên liệu thế giới. Nguồn năng lượng mới cũng rất có tiềm năng nhưng việc đưa vào sản xuất điện ở quy mô công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn và năng lượng tái tạo không đảm bảo liên tục và ổn định. “Chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển điện hạt nhân cho đến khi nào có một công nghệ mới khác có thể thay thế được nó. Để đảm bảo an ninh năng lượng, nếu chúng ta không phát triển điện hạt nhân thì sẽ phải tiếp tục phát triển từ các nguồn năng lượng truyền thống và như vậy chúng ta sẽ phải giải bài toán rất khó để tìm ra phương pháp tối ưu đó là điện hạt nhân hay nhập nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất điện” Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay. Chỉ khởi công khi chuẩn bị đã hoàn tất Theo ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân, Tổng cục năng lượng, Việt Nam đã và đang tích cực chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân. Một số dự án nghiên cứu về phát triển điện hạt nhân đã được tiến hành từ giai đoạn 1996-2001. Các hoạt động như hội thảo, triển lãm giáo dục và đào tạo, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về điện hạt nhân với sự hỗ trợ của IAEA và các quốc gia có điện hạt nhân đã được tiến hành. Trong năm 2013, sẽ báo cáo khả thi và phê duyệt địa điểm cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và dự kiến sau năm 2015 sẽ khởi công xây dựng. Chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, tuy đã vượt qua ngưỡng của các nước kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình nhưng Việt Nam vẫn được xem là một nước có trình độ phát triển thấp, tiềm lực về tài chính còn khó khăn. Toàn bộ chi phí cho dự án điện hạt nhân, Việt Nam đều phải dựa vào vốn ODA, nguồn viện trợ của các nước như Nga, Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân do thiếu chính sách khuyến khích, đãi ngộ người đi học và người sẽ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng.Tuy nhiên, để hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, IAEA đã hỗ trợ dự án VIE/4/015 phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân gồm 2 giai đoạn: 2009 - 2011 và 2012 - 2013. Giai đoạn 1 dự án được IAEA tài trợ vốn ODA khoảng 580 ngàn USD và vốn bổ sung từ Quỹ Sáng kiến sử dụng hòa bình của Mỹ khoảng 560 ngàn USD. Giai đoạn 2 của dự án, IAEA hỗ trợ tổng số vốn trên 500 ngàn USD. Chính phủ cũng đã dành 2 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho chương trình đào tạo nhân lực điện hạt nhân. Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng dành khoảng 1 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành điện hạt nhân. Ngoài việc đào tạo nước ngoài, nhà nước cũng đã giao cho 5 trường đại học ở Việt Nam đào tạo điện hạt nhân trong nước sau đó gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên Bang Nga, Nhật bản, Hàn quốc, Pháp, Hoa Kỳ để đào tạo cán bộ điện hạt nhân. Riêng trong 3 từ 2009- 2012, đã có khoảng 3 trăm người sang Liên Bang Nga và cũng tương đương con số ấy sang các quốc gia khác để đào tạo cả dài hạn và ngắn hạn các chuyên ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân. “Theo tiến độ thì khoảng năm 2015 chúng ta sẽ bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đầu tiên nhưng thời điểm khởi công còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhà máy điện hạt nhân. Tôi khẳng định, chúng ta chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân khi đã đảm bảo về an toàn và an ninh, chu đáo tất cả về pháp quy, pháp luật, an toàn về cơ sở hạ tầng và đảm bảo nguồn nhân lực” Bộ trưởng Quân nói. Điện hạt nhân là lĩnh vực công nghệ cao, yêu cầu vốn đầu tư lớn và đảm bảo an toàn, an ninh ở mức cao nhất, tham gia và cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan, đòi hỏi quyết tâm và sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương, sự chỉ đạo thường xuyên của chính phủ và sự ủng hộ của công chúng và quốc tế.
|