Bản in
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân an toàn ở Việt Nam
Trong bối cảnh nguồn năng lượng hóa thạch có nguy cơ cạn kiệt, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đang là lựa chọn của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Việt Nam sẽ xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với công nghệ lò nước nhẹ cải tiến thế hệ thứ 3 và 3+, tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay

Trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, các trường hợp động đất, sóng thần có cường độ lớn điều đã được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo Việt Nam sẽ có những nhà máy điện hạt nhân có độ an toàn cao nhất.

Đảm bảo an ninh năng lượng

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) nhu cầu năng lượng sơ cấp của Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 250 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), tăng gấp 5 lần so với năm 2009 và hiện tại Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc để bù đắp thiếu hụt điện năng. Trong khi đó, tính toán đến năm 2020 tiềm năng thủy điện lớn sẽ khai thác hết hoàn toàn và các nguồn năng lượng hóa thạch khác như than đá, dầu khí sẽ kiệt trong khoảng 20 năm nữa. Dự báo trước mắt đến năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho sản xuất điện trong nước.

Việc phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt… đang là giải pháp được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ điện năng tái tạo nối lưới điện quốc gia mới chỉ chiếm khoảng 2%, tương đương 1,7 tỷ kWh trong tổng công suất của hệ thống mà chủ yếu là thủy điện nhỏ. Ngoài ra, còn có một số nguồn điện tái tạo khác như thủy điện mini, điện mặt trời và khí sinh học nhưng công suất không đáng kể chỉ khoảng từ 45-60MW.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục năng lượng nguyên tử Việt Nam phát triển điện hạt nhân được xem là một lựa chọn tất yếu trong cơ cấu năng lượng của quốc gia nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai, phát triển kinh tế xã hội, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển tiềm lực KH&CN, bảo vệ môi trường.

Điện hạt nhân là điện năng được sản xuất từ năng lượng hạt nhân chủ yếu là năng lượng phân hạch hạt nhân của urani và plutoni. Các nhà máy điện hạt nhân chuyển tải điện năng thu được từ phản ứng phân hủy hạt nhân thành điện năng thông qua thực hiện các phản ứng hạt nhân dây chuyền có điều khiển trong lò phản ứng với nguyên liệu ban đầu là đồng vị U235 và sản phẩm thu được sau phản ứng thường là Plutoni, các neutron và sinh ra năng lượng nhiệt rất lớn. Nhiệt lượng này, theo hệ thống làm mát khép kín (để tránh tia phóng xạ rò rỉ ra ngoài) qua các máy trao đổi nhiệt, đun sôi nước tạo ra hơi nước ở áp suất cao làm quay các turbine hơi nước, quay máy phát điện và sinh ra điện năng.

PGS.TS Trần Thanh Minh, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, về cơ chế hoạt động, nhà máy điện hạt nhân hoạt động tương tự nhà máy nhiệt điện từ khâu làm sôi nước, chuyển thành hơi nước và dùng hơi nước làm quay Turbine. Tuy nhiên, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn nhà máy điện hạt nhân dùng uranium và nước được đun sôi trong lò phản ứng. Uranium cháy không cần oxy nên không thải ra khí nhà kính CO2, NO x, SO x. Chỉ với một lượng nhiên liệu nhỏ vẫn thu được nguồn năng lượng lớn. Nhiên liệu cần thiết cho một nhà máy công suất 1000W vận hành trong 1 năm vào chỉ vào khoảng 30 tấn uranium trong khi sử dụng nhiêu liệu hóa thạch phải cần 2.200.000 tấn đá hoặc 1.400.000 tấn dầu.

An toàn trên hết

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, các loại lò phản ứng hạt nhân đang được sử dụng trên thế giới bao gồm lò khí, lò nước nặng (HWR) và lò nước nhẹ (LWR), trong đó lò nước nhẹ là phổ biến nhất. Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 được xây dựng trên cơ sở các lò phản ứng nước nhẹ cải tiến thế hệ thứ 3 và 3+, có hệ số an toàn rất cao gấp hàng trăm lần so với các thế hệ lò trước đó.

Thế hệ lò 3 và 3+ có độ an toàn cao bởi tần suất hư hỏng lõi lò thấp chỉ vào khoảng từ 10-6 đến 10-7 /năm hoạt động, vỏ bảo vệ kép có thể đứng vững kể cả trong trường hợp bị máy bay đâm, có cơ cấu tự động bảo vệ đáy lò trong trường hợp lõi lò bị nóng chảy, thiết kế lò được tiêu chuẩn và đơn giản hóa nhằm tăng hiệu suất và thời gian sử dụng của nhà máy điện hạt nhân đạt 60 năm.

“Trong quá trình triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân, các trường hợp động đất có cường độ lớn, sóng thần, mất điện trên diện rộng điều đã được tính toán kỹ lưỡng để có các biện pháp ứng phó sự cố kịp thời. Việt Nam cũng yêu cầu các đối tác Nga và Nhật Bản cam kết đảm bảo độ an toàn cao nhất cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 của Việt Nam bằng các công nghệ lò phản ứng tiên tiến, hiện đại nhất” TS Tuấn nói.

Để thực hiện dự án điện hạt nhân, Việt Nam từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn và an ninh hạt nhân; tham gia các điều ước quốc tế xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ban dự án điện hạt nhân tiếp xúc trực tiếp với nhân dân tại các địa điểm xây dựng nhà máy đặc biệt tập trung vào bà con dân tộc Chăm; tuyên truyền phổ biến về phát triển điện hạt nhân tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội; đo đạc, khảo sát, đánh giá địa chất tại địa điểm xây dựng nhà máy, đánh giá tác động môi trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với tổng kinh phí khoảng 3000 tỷ đồng. Trong 2 năm 2010 và 201 đã có 99 sinh viên sang học ở Nga và năm 2012 sẽ có thêm 70 sinh viên nữa sang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử…

Hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II dự kiến sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 và hoàn thành vào năm 2022, phát điện vào cuối năm 2020, có tổng công suất lắp đặt khoảng 4.000 MW gồm 4 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 1.000 MW. Theo tính toán nghiên cứu tiền khả thi, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng từ 2.000 MW - 4.000 MW điện hạt nhân, chiếm tỷ trọng 7-9% trong tổng sản lượng điện năng của Việt Nam.

Thanh Tú