Bản in
Việt Nam - Vương Quốc Anh: Hợp tác toàn diện về năng lượng hạt nhân
“Việt Nam nhận thức sâu sắc việc phát triển điện hạt nhân đối với một quốc gia đang phát triển cần rất nhiều yếu tố khác nhau như: xây dựng đồng bộ từ hệ thống luật pháp, cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ…đặc biệt là nguồn tài chính đầu tư rất lớn. Đó là những khó khăn , thách thức không nhỏ đối với các nước bắt đầu phát triển hạt nhân như Việt Nam”.

Thứ truởng bộ KH&CN Lê Đình Tiến đã nhận định như vậy tại hội thảo “Thúc đẩy hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh”  diễn ra ngày 16/2, tại  Hà Nội do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Nhóm đối tác khoa học Anh quốc-Đông Nam Á và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, tổ chức.

Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định: “Những thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ trong hội thảo sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, đầu tư, quản lý và các chuyên gia điện hạt nhân Việt Nam có được những kinh nghiệm quý báu trong tổ chức triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cũng như mở ra những cơ hội mới về hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong lĩnh vực này”.

Theo ông Antony Stokes, đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam: năng lượng hạt nhân đã trở thành nguồn năng lượng quan trọng của nhân loại, góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng ở Anh và nhiều quốc gia khác.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng trong hợp tác về năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và Vương quốc Anh; mong muốn được tiếp tục hợp tác với Việt Nam nhân rộng sáng kiến nhằm phát triển an toàn năng lượng hạt nhân...

Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Anh đã chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về các vấn đề như xây dựng khuôn khổ pháp quy hạt nhân, chuẩn bị địa điểm xây dựng nhà máy, lựa chọn công nghệ, xây dựng năng lực nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình điện hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, quản lý rủi ro trong quá trình xây dựng, lắp đặt và đưa vào khai thác vận hành nhà máy điện hạt nhân, vai trò của tư vấn cho chủ đầu tư.

Phía  Vương quốc Anh  khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp quy hạt nhân; xây dựng cơ quan pháp quy độc lập; đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, chia sẽ thông tin, kinh nghiệm giữa các chuyên gia Anh Quốc và Việt Nam để giúp Việt Nam có được những kinh nghiệm quý báu về các vấn đề liên quan đến năng lượng hạt nhân.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, năm 2020 tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ đi vào vận hành phát điện thương mại và đến năm 2030 tổng công xuất điện hạt nhân là 10.700 MW, chiếm 10,1% tổng công suất điện quốc gia.

Ngũ Hiệp