Bản in
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hồi sinh
Biến đổi màu hoa để phục vụ cho ngành trồng hoa, hay sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong điều trị bệnh... đã trở thành hoạt động thường xuyên ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Chiều 13/2, TS Trần Quế, Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) Đà Lạt thông báo tin vui: Viện đã thành công trong việc dùng phóng xạ để biến hoa lưu ly (còn gọi là hoa Forget-me-not) từ màu tím thuần túy sang màu trắng. Trước đó, Viện cũng đã thành công trong việc chiếu tia phóng xạ để cho ra các giống cúc có màu cam, tím từ giống cúc có màu hồng ban đầu.

Trên đây chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân ở Viện NCHN Đà Lạt vào nhiều lĩnh vực như: y học, sinh học, công-nông nghiệp, xây dựng, môi trường...

Hồi sinh

Sau ngày đất nước thống nhất, khi tiếp quản, lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân TRIGA Mark II được Hoa Kỳ lắp đặt tại Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt vào năm 1963 không còn khả năng vận hành. Các thanh nhiên liệu, “trái tim” của một LPƯ đã được người Mỹ đưa về nước. Cùng với đó, hệ điều khiển và một số máy móc thiết bị cũng bị tháo khỏi lò.

Việc khôi phục và mở rộng LPƯ TRIGA Mark II được đặt ra ngay từ những năm 1976 – 1977. Sự hồi sinh cho cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Đà Lạt được đánh dấu qua hợp đồng số 85-096/54100, được ký kết giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô vào ngày 9/10/1979.

Giữa tháng 3.1982, dự án khôi phục và mở rộng LPƯ chính thức được bắt đầu khởi công. Đến ngày 20.3.1984, Viện NCHN Đà Lạt chính thức vận hành trở lại LPƯ với công suất danh định 500 kW (gấp đôi thời kỳ trước 1975).

GS.TS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện NCHN Đà Lạt nhớ lại: Liên Xô chỉ giúp khôi phục lò phản ứng, còn sử dụng nó để làm gì thì không được bàn đến. Khi lò nâng cấp xong, thì lộ ra bài toán thiếu thiết bị nghiên cứu và khai thác. Phải đến khi lò bắt đầu vận hành, Liên Xô mới chấp nhận hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị để sản xuất dược chất phóng xạ và phòng thí nghiệm phân tích kích hoạt nơtron.

Tuy nhiên, phía Việt Nam không đồng ý với đề xuất của bạn. Lý do, nó quá đồ sộ, tốn kém và phải mất ít nhất bốn năm mới xây dựng xong. Trong chừng ấy thời gian không lẽ để lò nằm yên, hàng trăm cán bộ khoa học lại phải “thất nghiệp”.

GS.TS Phạm Duy Hiển kể: Vào thời ấy, chủ trương bác bỏ một thiết kế của Liên xô là việc làm không bình thường. Song chính nhờ chủ trương đó mà cán bộ của Viện NCHN Đà Lạt đã tự lực vươn lên xây dựng các phòng thí nghiệm để khai thác lò. Xưởng lắp ráp điện tử được xây dựng để phục vụ cho yêu cầu hoạt động của lò. Xưởng cơ khí do các chuyên gia Liên Xô trang bị để phục vụ quá trình lắp ráp, khôi phục LPƯ cũng đã phát huy tác dụng…

Ứng dụng

Sau khi được khôi phục, nâng cấp, LPƯ đã được xác định phục vụ nhiều mục đích, như: chiếu mẫu để sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt nơtron, nghiên cứu vật lý hạt nhân và vật lý LPƯ, đào tạo cán bộ…
PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện NCHN Đà Lạt cho biết: đến nay, LPƯ của Viện đã có tổng thời gian vận hành trên 35.500 giờ với  nhiều loại dược chất phóng xạ đã được sản xuất phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh trong y tế, trên 60.000 mẫu các loại đã được phân tích phục vụ cho các ngành địa chất, môi trường, công nghiệp dầu khí…

Hoa lưu ly trước và sau khi chiếu tia phóng xạ Ảnh: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Vào thập niên 1980, cả nước chỉ có ba bệnh viện sử dụng chưa đầy 2 Ci (Ci – đơn vị phóng xạ. Máy xạ trị chữa bệnh ung thư có thể có khoảng 1000 Ci của một đồng vị phóng xạ như xezi-137 hoặc cobalt-60.) dược chất phóng xạ mỗi năm. Đến nay, Viện NCHN Đà Lạt cung cấp hằng năm trên 400 Ci, cho hơn 20 cơ sở y học hạt nhân từ Nam chí Bắc. Cùng với đó, mỗi năm Viện NCHN Đà Lạt làm dịch vụ phân tích cho các ngành khoảng 45.000 chỉ tiêu phân tích khác nhau đáp ứng nhu cầu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng độc trong rau quả, phân tích kiểm định hàng lương thực, thực phẩm... Ngoài ra, kỹ thuật hạt nhân và đánh dấu đồng vị phóng xạ đã được sử dụng để nghiên cứu đánh giá quá trình di chuyển bùn cát và bồi lấp luồng tàu ở cảng Hải Phòng, cảng Định An, khảo sát bồi lắng các lòng hồ thủy điện Trị An, thủy điện Thác Mơ…

“Từ đầu năm 2012, LPƯ hạt nhân Đà Lạt đã được chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp. Với số lượng nhiên liệu đang có, LPƯ có thể tiếp tục vận hành đến sau năm 2025”, PGS.TS Điền nói. Trong tương lai gần, Viện còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho các dự án điện hạt nhân đang sắp được khởi công.

Tập thể cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (giai đoạn 1984-2007) với công trình “Nghiên cứu bảo đảm vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt” đạt Giải thưởng Nhà nước (lĩnh vực khoa học – kỹ thuật) về KH&CN. Lễ trao “Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về KH-CN năm 2010” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 18/2 tới. Đây là một trong những giải thưởng cao quý nhất của Việt Nam nhằm công nhận, tôn vinh, khích lệ của nhà nước đối với các nhà khoa học.