Bản in
“Tôi tin ở tương lai của điện hạt nhân”
“Sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ, một số bạn bè đã khuyên tôi nên ở lại Thụy Điển, vừa có công việc tốt, vừa đảm bảo việc học tập của con cái sau này, nhưng tôi vẫn quyết định trở về Việt Nam. Bởi tôi nghĩ, hơn 40 tuổi, gần một nửa số thời gian trong đó đã dành cho học tập, công tác và nghiên cứu ở nước ngoài (có 6 năm học đại học ở Liên Xô được nhà nước “nuôi”), mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương, thì nên trở về nước làm việc. Tôi tin ở tương lai của điện hạt nhân. Một khi Việt Nam tiếp tục chương trình phát triển điện hạt nhân, tôi muốn tham vào công việc này cùng với các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam”.

Trong căn phòng làm việc giản dị của Trung tâm tư vấn Nhiệt điện, Điện hạt nhân và Môi trường – Viện Năng lượng, tiến sỹ Trần Chí Thành - người vừa mang lại tin vui cho ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam với giải thưởng Sigvard Eklund – giải thưởng của Thụy Điển giành cho những luận án tiến sỹ xuất sắc nhất liên quan đến công nghệ hạt nhân, đã chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam như vậy về giải thưởng và những dự định “hậu” giải thưởng.

Từ “mối lương duyên” với điện hạt nhân…

Trẻ hơn cái tuổi 46 rất nhiều, TS. Trần Chí Thành dễ gây cảm tình với người đối diện bởi vẻ ngoài thân thiện, dễ gần, cách nói chuyện dí dỏm, thông minh qua chất giọng miền Trung đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cậu bé Thành thoát ly gia đình từ năm 12 tuổi để đi học lớp năng khiếu toán của huyện Đức Thọ (nằm trong trường cấp 2 Đức Bùi - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh). Sau 3 năm học cấp 3 chuyên toán ở Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh), với kết quả thi đại học cao, anh được Nhà nước cử đi học tại Trường đại học Năng lượng Matxcova (thuộc Liên Xô cũ), chuyên ngành nhà máy điện nguyên tử và thiết bị.

Không may cho anh, về Việt Nam sau 6 năm “ăn cơm nhà nước”, sự cố Chernobyl đã khiến cho các kế hoạch về điện hạt nhân gần như bị “đóng băng”, do đó, công việc của anh sau này hầu như không hề liên quan gì đến chuyên ngành anh đã học. Công việc đầu tiên anh làm sau khi về nước là nghiên cứu viên của Trung tâm Năng lượng - Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Khoa học công nghệ Việt Nam). Sau khi làm ở đây được 1 năm, với suy nghĩ rằng người kỹ sư cần phải thành thạo máy tính cá nhân và lập trình với ngôn ngữ phổ biến như C và Pascal, anh chuyển sang học lập trình Pascal và sau đó viết phần mềm cho Công ty Lập trình Softex. Khi Công ty Softex chuyển vào Nam sát nhập vào Công ty Công nghệ mới Cotec, anh vào làm ở Cotec, thuộc Phân viện Khoa học công nghệ Việt Nam tại TP.HCM. Sau khi làm ở đây được vài năm, anh tham gia vào dự án thủy điện Thác Mơ và được cử sang Liên bang Nga để làm đại diện khoa học kỹ thuật, tiếp tục tham gia các dự án điện như thủy điện Yaly, đường dây tải điện 500KV.

Tưởng rằng “cơ duyên” với điện hạt nhân của anh kết thúc ở đó thì sau 7 năm làm đại diện ở nước ngoài, năm 2001, anh về Việt Nam đúng vào lúc Viện Năng lượng đang “rục rịch” thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. “Khi biết tin Việt Nam đang chuẩn bị triển khai dự án điện hạt nhân, để không bỏ phí tấm “bằng đỏ” 6 năm đại học của mình, tôi đã quyết định quay ra Hà Nội tham gia vào công việc” – anh chia sẻ. Tham gia vào dự án nghiên cứu này được 3 năm, trong khi đợi Quốc hội phê duyệt, anh lại tiếp tục xin học bổng để sang Thụy Điển nghiên cứu về ngành nghề đang “hot” này. Và Khoa an toàn điện hạt nhân – Đại học Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển chính là nơi “chắp cánh” cho giấc mơ điện hạt nhân của anh sau này.

…Thăng hoa giấc mơ tiến sỹ

Nếu chỉ nghe vị tiến sỹ này nói chuyện mà chưa từng nghe kể về con đường gian nan đến với giấc mơ nghiên cứu về điện hạt nhân của anh, hẳn rằng không ít người nghĩ rằng thành công có được của anh ngày hôm nay thật dễ dàng.

- “Anh có gặp khó khăn gì trong quá trình nghiên cứu đề tài “Mô hình đối lưu hiệu quả dùng để mô phỏng và phân tích quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng áp lực lò nước nhẹ” – đề tài giúp anh đạt giải thưởng Sigvard Eklund?”

- “Không! Tôi thấy bình thường” - anh Thành cười nhẹ nói. Có lẽ niềm đam mê được học tập, nghiên cứu ngấm sâu trong con người anh đã cho anh thấy việc miệt mài đọc tài liệu, nghiên cứu, không bỏ lỡ bất cứ một hội nghị, hội thảo chuyên môn nào là chuyện quá đỗi đơn giản. Có lẽ sự quyết tâm phải tìm cho ra phương pháp, mô hình mới đã khiến cho anh “bình thường hóa” những buổi seminar, những cuộc tranh luận “nảy lửa” với các đồng nghiệp.

Trải qua 4 năm nghiên cứu, đúng vào ngày Quốc khánh Việt Nam (2/9/2009), anh đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu của mình. Đề tài tập trung nghiên cứu mô hình đối lưu hiệu quả mô phỏng một phần diễn biến sự cố nặng xảy ra trong lò phản ứng hạt nhân. Khi sự cố xảy ra như sự cố Fukushima, không có nước bơm vào làm mát nhiên liệu, khiến cho nhiên vật liệu trong lò bị nóng lên và tan chảy. Nhiên vật liệu nóng chảy nhanh chóng dịch chuyển xuống đáy lò, tương tác nhiệt với thành thùng lò và thùng lò sẽ thủng. Phương pháp nghiên cứu của anh chính là tập trung vào quá trình truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng lò. Trước đây trên thế giới các mô hình mô phỏng truyền nhiệt đáy thùng lò cũng đã được nghiên cứu, phát triển. Tuy nhiên mô hình này của anh được đánh giá cao bởi khả năng giúp cho việc mô phỏng quá trình truyền nhiệt, tương tác nhiệt vùng đáy thùng lò thuận tiện, chính xác và nhanh hơn các phương pháp cũ. Ngoài việc có thể áp dụng hỗ trợ tính toán đánh giá an toàn cho các thiết kế lò đã có, mô hình có thể sử dụng để tính toán đánh giá hiệu quả của các biện pháp làm mát tiềm năng có thể áp dụng cho điện hạt nhân, nhằm khống chế diễn biến sự cố nặng, giảm thiểu hậu quả cũng như ảnh hưởng đến con người, môi trường. Với những đặc điểm ưu việt như vậy, không những Trần Chí Thành đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ hơn 2 năm trước mà anh còn “giật” luôn giải thưởng Sigvard Eklund vừa được trao vào ngày 5/10/2011.

- “Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với anh?” – tôi hỏi – “Phải nói là giải thưởng rất có ý nghĩa đối với tôi. Thứ nhất, đó là sự ghi nhận kết quả nghiên cứu đã được thực hiện trong thời gian tôi làm nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển. Thứ hai, đây là sự cổ vũ, khuyến khích những nghiên cứu hiện nay tôi và các đồng nghiệp Thụy Điển đang thực hiện, liên quan đến an toàn của các lò nước sôi đang vận hành tại Thụy Điển. Về tính ứng dụng trong nước, mô hình có thể áp dụng cho những tính toán liên quan đến an toàn lò nước áp lực VVER của Nga, hay lò nước sôi, nước áp lực của Nhật Bản sẽ được ứng dụng cho các nhà máy điện hạt nhân Việt Nam thời gian tới”.

Mong muốn cống hiến cho điện hạt nhân Việt Nam

Có lẽ câu hỏi lớn mà ai cũng muốn đặt ra không chỉ với tiến sỹ Thành mà bất cứ người Việt Nam nào giành được những thành công lớn như vậy đều là con đường họ sắp đi ở giai đoạn “hậu” giải thưởng. Riêng với bản thân tôi, điều đầu tiên khiến tôi e ngại với câu hỏi này chính là khi bắt gặp anh ngồi cặm cụi trong căn phòng nhỏ, chếch hướng Tây, khi những ánh nắng cuối ngày buông thành một vệt dài soi lên mái tóc đã lốm đốm bạc và ánh lên những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán anh. “Tôi đã đọc qua một bài phỏng vấn anh trả lời báo của nước ngoài rằng sau khi giành giải thưởng, có khả năng anh sẽ lại quay về Thụy Điển làm việc?” – tôi hỏi.

- “À! Đó là câu hỏi của một nhà báo Thụy Điển phỏng vấn tôi ngay khi tôi giành giải thưởng. Nhưng mà không phải chỉ sau khi giành giải thưởng mà bây giờ tôi và những đồng nghiệp của tôi vẫn tiếp tục những nghiên cứu tại đó, chỉ có điều tôi làm với hình thức “điều khiển từ xa” thôi. Thụy Điển là tổ quốc thứ ba của tôi (sau Việt Nam và Nga), là đất nước tuyệt vời, họ đã cho tôi cơ hội tham gia công việc nghiên cứu về vấn đề an toàn hạt nhân của họ. Tôi vẫn đang tham gia trong nhóm nghiên cứu của Khoa an toàn điện hạt nhân - Đại học Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển, cùng các đồng nghiệp tính toán phân tích an toàn lò hạt nhân, tham gia hội nghị, viết báo... để phần nào “trả ơn” cho tổ quốc thứ ba này”.

- “Vậy bây giờ, hãy tạm quên đi việc tôi là nhà báo của nước nào nhé, với tư cách là một người bạn, tôi muốn biết anh sẽ ra đi, đến một đất nước có nhiều điều kiện hơn như Thụy Điển để thỏa mãn niềm đam mê của mình hay sẽ ở lại Việt Nam để mang chất xám của mình ra cống hiến cho ngành năng lượng hạt nhân nước nhà?”

- “Thật ra ngay sau khi bảo vệ xong luận án, nếu muốn làm việc ở nước ngoài, tôi đã có thể ở lại tiếp tục nghiên cứu ở Thụy Điển, Mỹ. Một số bạn bè đã khuyên tôi nên ở lại, vừa có công việc tốt, vừa đảm bảo việc học tập của con cái sau này, nhất là khi con gái đầu của tôi muốn học đại học ở Mỹ. Nhưng tôi nghĩ, hơn 40 tuổi, gần một nửa số thời gian trong số đó đã dành cho học tập, công tác và nghiên cứu ở nước ngoài (trong đó có 6 năm học đại học ở Liên Xô được Nhà nước “nuôi”), mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương, thì nên trở về nước làm việc. Tôi tin ở tương lai của điện hạt nhân. Một khi Việt Nam tiếp tục chương trình phát triển điện hạt nhân, tôi muốn tham vào công việc này cùng với các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam. Ngành điện hạt nhân ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu, rất cần những con người có hiểu biết và tâm huyết với ngành hạt nhân”.

Dường như những câu nói cuối cùng trong cuộc chuyện trò đã khiến bước chân tôi nhẹ hơn khi tạm biệt căn phòng ấy. Đã đi xa lắm rồi mà hình ảnh vị tiến sỹ với nụ cười hóm hỉnh, tay viết và đôi mắt ánh lên niềm đam mê vẫn cứ như hiển hiện trước mắt…

Nắng cuối năm vẫn vàng như rót mật…

Giải thưởng Sigvard Eklund hàng năm của Thụy Điển được dành cho các luận án tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân xuất sắc nhất (được bảo vệ trong vòng 2 năm trở lại) giữa các trường đại học của Thụy Điển liên quan đến công nghệ hạt nhân.

Nhận xét của Hội đồng xét giải thưởng với luận án của tiến sỹ Trần Chí Thành: “Luận án hết sức cần thiết này là kết quả của một nghiên cứu sâu về cơ chế truyền nhiệt của bể nhiên vật liệu nóng chảy ở đáy thùng lò nước sôi áp lực. Sự cố điện hạt nhân ở Fukushima đã cho thấy tầm quan trọng và tính cần thiết của đề tài này

Việc áp dụng các phương pháp khác nhau (phương pháp phân tích, CFD-ILES, ECM và PECM) vào các kịch bản sự cố thực tế cho thấy khả năng áp dụng của các phương pháp này. Quá trình kiểm chứng chỉ ra rằng các phương pháp này mô phỏng rất tốt các thông số vật lý quan trọng và có thể được sử dụng để dự báo chính xác các thông số quan trọng như tải nhiệt lên thùng áp lực lò phản ứng.

Tác giả đã chứng tỏ sự hiểu biết sâu sắc về các hiện tượng vật lý phức tạp xảy ra trong các kịch bản sự cố, và có khả năng đánh giá tầm quan trọng của các quy trình khác nhau trong bể nhiên vật liệu nóng chảy. Tác giả cũng đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu trong nhiều bài báo, làm thành một công trình nghiên cứu tốt”.

Tiến sỹ Trần Chí Thành hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn nhiệt điện, điện hạt nhân và môi trường – Viện Năng lượng. Hiện nay, tiến sỹ đang cùng cộng sự tham gia lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2, đồng thời là cộng tác viên khoa học của Khoa an toàn điện hạt nhân – Đại học Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển trong nghiên cứu liên quan đến phân tích an toàn lò nước sôi.