|
|||
TS Lê Đình Tiến, thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, đây là một sự kiện đáng ghi nhớ không chỉ có ý nghĩa trong việc thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự kiện này còn đánh dấu một trong những điểm mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử đội ngũ vận hành chỉ gồm những kỹ sư Việt Nam đã khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân. Đó là một tập thể các nhà khoa học và công nghệ mạnh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam. Thành công này càng có ý nghĩa khi ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam đang tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Các nhà khoa học ngành năng lượng nguyên tử hẳn không thể quên khoảnh khắc thời gian: 15 giờ 30 ngày 30/11/2011- lần đầu tiên, ê kip điều khiển gồm toàn chuyên viên Việt Nam, khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với toàn bộ nhiên liệu uranium thay mới, đưa công suất đạt giá trị cực đại 500 kilô-oat. Trước đó, chúng ta cũng đã có hai lần khởi động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nhưng các chuyên gia nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm vận hành, duy trì hoạt động của lò phản ứng hạt nhân từ những lần khởi động này. Trước đó, đã có một ê kíp vận hành lò gồm các chuyên viên Việt nam được đưa đi đào tạo ở Liên xô. Ê kíp này đã tham gia cùng ê kíp chuyên gia Liên xô tiến hành khởi động lò và sau đó đảm nhận hoàn toàn việc vận hành an toàn lò phản ứng trong 25 năm qua. Những kinh nghiệm này là tài sản quý giá để thực hiện lần khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ngày 30/10/2011. Từ thời điểm này, hoạt động của LPƯ được duy trì bằng toàn bộ các bó (thanh) nhiên liệu độ giàu thấp (Low-enriched uranium - LEU) chứa hàm lượng U-235 gần 20%. Với sự kiện nói trên, Việt Nam một lần nữa bằng hành động khẳng định mục tiêu sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của mình, thực hiện cam kết quốc tế không phổ biến vũ khí hạt nhân, cộng tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA và các cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ. Nhưng điều có ý nghĩa nổi bật trong lần khởi động LPƯ thứ ba này là vai trò chủ động hoàn toàn của đội ngũ chuyên viên vật lý và công nghệ hạt nhân Việt nam. Đội ngũ này đã được đào tạo, nâng cao trình độ trong nhiều năm qua, từ giai đoạn tái khởi động cuối 1983 đầu 1984, trên 20 năm vận hành khai thác an toàn LPƯ, đến quá trình chuyển đổi nhiên liệu HEU qua LEU bắt đầu từ năm 2007 đến nay. Rõ ràng, sự kiện khởi động vật lý, khởi động năng lượng thành công mới đây, đưa Lò Phản ứng Hạt nhân Đà lạt lên mức công suất danh định 500 kW đã mang lại niềm vui lớn cho cộng đồng khoa học công nghệ hạt nhân, đồng thời là bài học có ý nghĩa cho các cơ quan hữu quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành điện hạt nhân của nước ta.
Minh Châu (Tổng hợp) |