|
|||
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị này. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Môi trường kiêm Quốc vụ khanh phụ trách phòng ngừa và xử lý sự cố hạt nhân Nhật Bản Goshi Hosono đã kêu gọi các nước thành viên FNCA tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác trong việc xử lý các sự cố hạt nhân trong tương lai. Bộ trưởng Hosono cũng cho biết Nhật Bản sẽ sớm công bố làm nguội thành công các lò phản ứng gặp sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Bên cạnh đó, nước này đang cân nhắc các biện pháp khử nhiễm phóng xạ ở các khu vực bị ảnh hưởng và dỡ bỏ các lò phản ứng bị hư hại tại nhà máy này. Nhân dịp này, Bộ trưởng Hosono đã cảm ơn sự hỗ trợ của các nước thành viên FNCA đối với Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima . Tại hội nghị, các đại biểu sẽ nghe báo cáo của nước chủ nhà Nhật Bản về cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima cũng như các nỗ lực nhằm khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn thực phẩm trước nguy cơ ô nhiễm phóng xạ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ nghe báo cáo của các nước thành viên FNCA về chính sách sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời thảo luận các biện pháp tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác xử lý các sự cố hạt nhân trong tương lai. Được thành lập tháng 3/1990, FNCA - tiền thân là Hội nghị Quốc tế về Hợp tác hạt nhân ở châu Á - là một sáng kiến của Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình ở châu Á. Tại FNCA, các nước thành viên có thể chia sẻ quan điểm và thông tin trên bốn lĩnh vực gồm: sử dụng phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp, môi trường và y tế; sử dụng lò phản ứng để nghiên cứu; tăng cường an toàn hạt nhân và tăng cường cơ sở hạ tầng hạt nhân./.
|