Trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân”, ngày 11/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực cho Chương trình điện hạt nhân và quản lý tri thức hạt nhân” do IAEA phối hợp Cục năng lượng nguyên tử (VAEA)- Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cơ quan: Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), các Cục, Vụ, Viện chuyên ngành cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực hạt nhân.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Lê Đình Tiến cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực ngành hạt nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong Chương trình điện hạt nhân quốc gia từ nay đến năm 2020. Sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục triển khai Chương trình điện hạt nhân quốc gia nhưng với mức độ an toàn cao nhất.
Theo ông Yanko Yanev, Trưởng bộ phận quản lý tri thức hạt nhân của IAEA, để đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, Việt Nam cần có chính sách cụ thể đối với việc lựa chọn và ưu đãi nhân tài. Đồng thời, Việt Nam còn phải tính tới việc đào tạo một lượng không nhỏ những công nhân có kiến thức đầy đủ về lĩnh vực hạt nhân mới có thể vận hành một nhà máy điện hạt nhân hiệu quả và an toàn.
Cũng theo ông Yanko Yanev, quản lý tri thức hạt nhân tại các dự án, tổ chức và quốc gia là một phương pháp tiếp cận tích hợp áp dụng cho tất cả các giai đoạn xây dựng, thành lập, vận hành ngành hạt nhân. Quản lý tri thức hạt nhân có ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến nguồn nhân lực, công nghệ, phương pháp tiếp cận quản lý, hệ thống quản lý tài liệu, và chiến lược của công ty và quốc gia.
Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” với sự hợp tác của MOET, MOST và IAEA có mục tiêu chung nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đảm bảo về số lượng chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng an toàn an ninh năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời tăng cương tiềm lực khoa học và công nghệ.
Với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước 2.000 tỷ đồng, còn lại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đến nay Đề án đã thực hiện được một số bước cơ bản như: Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng Trung tâm thông tin ngành năng lượng nguyên tử do Tập đoàn “ Rosatom” (LB Nga) hỗ trợ đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo kế hoạch, đến tháng 4/2012 trung tâm này sẽ đi vào hoạt động.
Ngoài ra, theo Chương trình của đề án, trong năm 2010, 29 sinh viên thuộc một số trường Đại học trên cả nước đã được cử đi học ở Liên bang Nga với chuyên ngành “Nhà máy điện hạt nhân- thiết kế, vận hành và kỹ thuật”. Trong năm nay, 48 sinh viên đã được tuyển sinh và chuẩn bị làm thủ tục đi học ngành năng lượng nguyên tử tại Liên bang Nga.
Liên Cơ |