Bản in
Quy phạm an toàn điện hạt nhân -''Cầu thang cần có tay vịn''
Hệ thống văn bản quy phạm pháp quy về an toàn điện hạt nhân được ví như tay vịn cầu thang để đảm bảo sự vận hành của nhà máy điện hạt nhân ở mức an toàn cao nhất. Thế nhưng, tại một hội thảo hồi gần đây, thông tin gây giật mình là hiện tại, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp quy về an toàn hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đang được triển khai quá chậm so với yêu cầu thực tế.

Đã có nhiều phân tích nguyên nhân vì sao lại diễn ra tình trạng trên nhưng tựu lại vẫn là do nhân lực. Việt Nam mới chỉ có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân, còn những người học về công nghệ hạt nhân như xử lý sự cố thì nước ta chưa có.

Hiện Việt Nam mới có được khoảng 300-500 chuyên gia, nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực vật lí hạt nhân chứ không phải công nghệ hạt nhân.

Liên quan đến nhân lực cho việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp quy về an toàn hạt nhân, dự kiến đến năm 2014, số lượng văn bản chung cần 40- 50; văn bản riêng cho mỗi loại công nghệ là 100- 200… Ước tính sơ bộ sẽ cần thêm 50 cán bộ chuyên trách cho việc nghiên cứu, soạn thảo các loại văn bản này. Cần lưu ý, các cán bộ này cần phải có chuyên môn về điện hạt nhân, lại phải thông thạo tiếng Anh...

Liên quan đến nhân lực trước mắt để soạn thảo  văn bản quy phạm pháp quy liên quan đến an toàn hạt nhân, cần có cơ chế đặc biệt để huy động cán bộ có trình độ tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp quy, trong đó có thể mời các chuyên gia đã nghỉ hưu, mời cộng tác của chuyên gia nước ngoài…

Để đẩy mạnh tiến độ và chất lượng dự thảo các văn bản này cần lưu ý tham khảo và tuân thủ những quy định hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), bao gồm cả sử dụng các thuật ngữ mới. Và quan trọng hơn cần tăng cường hợp tác với IAEA, các tổ chức có liên quan của Nhật Bản, Nga, Mỹ…

Kính Lúp