|
|||
Trong 5 ngày diễn ra Hội nghị các đại biểu đến từ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các hãng thông tấn của các nước sẽ tham dự phiên toàn thể và các sự kiện bên lề phiên toàn thể để thảo luận về các vấn đề khác nhau liên quan đến phát triển ứng dụng NLNT, bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, hợp tác kỹ thuật và quản lý. Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA, ngài Amano, đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo đảm an toàn trong phát triển điện hạt nhân sau tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima và các vấn đề liên quan đến an ninh hạt nhân sau 10 năm sự kiện 11/9/2001 tại Hoa kỳ. Ngài Amano cũng nhấn mạnh đến tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới sau tai nạn Fukushima với dự báo có sự tiếp tục tăng trưởng của điện hạt nhân, đặc biệt ở các nước đã có nhà máy điện hạt nhân đang vận hành như Trung Quốc và Ấn Độ. Hợp tác phát triển ứng dụng NLNT vì cuộc sống của nhân loại là một định hướng quan trọng trong hoạt động của IAEA, trong đó nhấn mạnh về đề nước, ung thư, phát triển nông nghiệp bền vững nơi mà kỹ thuật hạt nhân có nhiều ứng dụng rất hiệu quả. Hợp tác kỹ thuật của IAEA được quan tâm với nguồn kinh phí năm 2010 tăng so với năm 2009, trong đó có đóng góp 20 triệu USD từ sáng kiến sử dụng NLNT vì hòa bình của Hoa kỳ. Ngoài ra, ngài Amano cũng nhấn mạnh các hoạt động hợp tác về bảo đảm an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân trong phát triển ứng dụng NLNT, trong đó đề cập vai trò trung tâm của IAEA cũng như các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên và áp dụng thanh sát hạt nhân của IAEA đối với Trung Đông.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến sẽ trình bày báo cáo quốc gia tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng ngày 20/ 9/2011. Báo cáo của Đoàn Việt Nam đánh giá cao các hoạt động và kết quả mà IAEA đã làm được trong việc thúc đẩy ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, cũng như bảo đảm an toàn, an ninh và kiểm chứng. Đặc biệt sau tai nạn Fukushima, IAEA đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc trợ giúp Nhật Bản cũng như tổ chức ngay Hội nghị Bộ trưởng về an toàn hạt nhân tháng 6/2011, trong đó đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng trong việc tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trên toàn cầu. Đoàn Việt Nam cũng thông báo về tiến trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các công tác chuẩn bị của Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao các trợ giúp của IAEA cho Việt Nam trong lĩnh vực điện hạt nhân và các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Để bảo đảm thực hiện thành công dự án điện hạt nhân, Đoàn Việt Nam đề nghị IAEA tiếp tục dành cho Việt Nam sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt trong xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân, đặc biệt hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và năng lực hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, Đoàn Việt nam cũng thông báo một số hoạt động đã thực hiện thể hiện sự cam kết của Việt Nam trong vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh như tham gia Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Hàn Quốc năm 2012, thực hiện chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt từ độ giàu cao sang độ giàu thấp… Cuối cùng, Đoàn Việt Nam đã cam kết ủng hộ hoàn toàn các hoạt động của IAEA trong việc thúc đẩy sử dụng NLNT vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Bên cạnh Hội nghị toàn thể, trong 5 ngày diễn ra Hội nghị có rất nhiều các hoạt đồng liên quan mà Đoàn Việt Nam sẽ tham gia. Trước hết là Diễn đàn khoa học về các vấn đề nước với chủ đề “Mang đến sự khác nhau với các kỹ thuật hạt nhân”. Diễn đàn diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/9. Hiện nay, thế giới đang đối mặt với vấn đề thiếu nước. Hơn 1 tỷ người trên hành tinh hiện nay không có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch. Nhu cầu về nước sẽ ngày càng tăng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các thành phố, phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Diễn đàn sẽ trình bày các kỹ thuật hạt nhân và hợp tác kỹ thuật của IAEAgóp phần giải quyết vấn đề nước bao gồm đánh giá nguồn tài nguyên nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước cho phát triển nông nghiệp, cũng như nghiên cứu và bảo tồn môi trường biển. Trong hơn nửa thế kỷ qua, IAEA đã phát triển đội ngũ chuyên gia sử dụng các kỹ thuật hạt nhân trong việc tìm hiểu và quản lý nguồn tài nguyên nước. Trên 90 nước đã nhận được sự trợ giúp từ IAEA trong tìm kiếm, quản lý, bảo vệ nguồn cấp nước sạch và bảo vệ đại dương của chúng ta. Cùng với Diễn đàn này, IAEA đã tổ chức một gian trưng bày các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu nguồn nước trong khuôn khổ hợp tác của IAEA với các nước thành viên. An toàn hạt nhân sau tại nạn Fukushima vẫn là sự kiên được quan tâm rất lớn trong khóa họp Đại hội đồng lần này. Tiếp theo Hội nghị Bộ trưởng về an toàn hạt nhân tháng 6/2011, các Bộ trưởng đã ra thông cáo nhấn mạnh rằng các điều ước quốc tế liên quan đến an toàn, an ninh, bồi thường thiệt hại hạt nhân thuộc trách nhiệm của IAEA cần phải được chấp nhận, thực thi và xem xét lại ở phạm vi toàn cầu nhằm tăng cường an toàn hạt nhân, kế hoạch ứng phó khẩn cấp và bảo vệ an toàn bức xạ cho con người và môi trường. Nhóm an toàn hạt nhân quốc tế (INSAG) sẽ tổ chức một diễn đàn vào ngày 19/9 về các vấn đề an toàn sau tai nạn Fukushima và các hành động cần thiết để tăng cường an toàn ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Nhật Bản và IAEA hợp tác tổ chức một sự kiện nhằm trình bày thông tin bổ sung về ảnh hưởng của tai nạn Fukushima và các cố gắng của Chính phủ Nhật Bản nhằm loại trừ các hậu quả của tai nạn Fukushima. Các chuyên gia từ các nước và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật sẽ chia sẻ kinh nghiệm và các bài học từ tai nạn Fukushima trong thảo luận bàn tròn về mạng lưới tri thức về an toàn và an ninh hạt nhân trong khuôn khổ mạng lưới an toàn và an ninh hạt nhân toàn cầu được tổ chức vào ngày 21/9. Các chuyên gia pháp quy hạt nhân các nước sẽ có cuộc họp để thảo luận vào ngày 22/9 về các vấn đề sau: các thách thức pháp quy trong và sau các vấn đề an toàn và an ninh chủ yếu, làm thế nào để giải quyết các thách thức về an toàn và an ninh sau tai nạn Fukushima trong cách thức đồng bộ, các vấn đề an toàn và an ninh trong quản lý chất thải phóng xạ hoạt độ cao và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, tồn trữ chất thải phóng xạ hoạt độ cao và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, các quan điểm thích hợp để cải thiện an toàn, an ninh và sự chấp nhận của công chúng. Vấn đề cung cấp đồng vị phóng xạ đặc biệt là Mo-99 là vấn đề cũng được quan tâm tại Đại hội đồng lần này. Mối quan tâm đã được đặt ra từ năm 2007 sau khi nhiều lò phản ứng nghiên cứu bị ngừng hoạt động do tuổi cao và dừng hoạt độ do phải chuyển đổi từ sự dụng nhiên liệu độ giàu cao sang độ giàu thấp. IAEA và OECD – NEA phối hợp tổ chức sự kiện này vào ngày19/9 để làm rõ tính ổn định của việc cung cắp các đồng vị phóng xạ ở phạm vi toàn cầu. Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân là một chủ đề rất rộng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của khóa họp Đại hội đồng lần này, IAEA có tổ chức một trưng bày về vai trò của IAEA trong việc chuyển giao kỹ thuật tiệt sinh côn trùng (SIT) hại cây trồng cho châu Phi với sự tham dự của Tổng Giám đốc Amano, Tổ chức sức khỏe động vật và Ủy ban cộng đồng Châu Phi. Trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng lần này, IAEA có trình diễn mạng cung cấp thông tin điện tử về y học hạt nhân. Việc này giúp tăng cường khả năng cho các nước thành viên trong việc bảo vệ sức khỏe, chẩn đoán và điều trị các bệnh và các vấn đề liên quan đến sức khỏe thông qua áp dụng kỹ thuật hạt nhân. Vào ngày 22/9, Phòng sức khỏe của IAEA sẽ trình bày một phiên bản mới giúp cho việc truy cập và hoc tập về y học hạt nhân. Việc này sẽ giúp cho các nước đang phát triển có được các thông tin và các tài liệu cần thiết để nâng cấp dịch vụ y tế. Chương trình phòng chống ung thư hợp tác giữa IAEA và WTO có tên gọi là PACT sẽ trình diễn về các tiến bộ đã đạt được trong việc chăm sóc bệnh nhân ung thư bằng việc tăng cường đầu tư các thiết bị xạ trị. Tại buổi thuyết trình, đại diện Chính phủ Ấn độ cũng sẽ trình bày về khả năng tài trợ của Ấn độ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình các thiết bị xạ trị thông qua chương trình PACT. Việt Nam năm 2010 đã nhận được sự tài trợ này của Chính phủ Ấn độ cho bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Ngoài ra, Chính phủ Monaco cũng tuyên bố sẽ tài trợ cho Mông Cổ thiết bị xạ trị thông qua chương trình PACT. Vụ Khoa học và ứng dụng hạt nhân của IAEA cũng sẽ tổ chức trình bày về hiện trạng nghiên cứu về nhiệt hạch, một lĩnh vực mà IAEA đã đầu tư nghiên cứu trong hơn nửa thế kỷ qua. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, IAEA sẽ tổ chức một số sự kiện trong tuần diễn ra Đại hội đồng lần thứ 55. Trước hết là Buổi thuyết trình của dự án về lò hạt nhân và chu trình nhiên liệu cải tiến (INPRO), Diễn đàn về tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân và phục hồi môi trường, Diễn đàn hợp tác công nghiệp hạt nhân với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp của các nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược quản lý để tăng cường an toàn và nâng cao tính năng của các nhà máy điện hạt nhân sau tai nạn Fukushima. Triển lãm điện hạt nhân cũng được trưng bày tại phiên họp Đại hội đồng lần này để làm rõ các dich vụ mà IAEA có thể giúp đỡ các nước thành viên đi vào phát triển điện hạt nhân. Triển lãm về thanh sát hạt nhân được tổ chức bên lề khóa họp Đại hội đồng cũng sẽ trưng bày các công nghệ, kỹ thuật tiến tiến phục vụ thanh sát hạt nhân. Hiện nay thanh sát hạt nhân đã được áp dụng với 180 nước đã ký Hiệp ước thanh sát với IAEA, trong đó có Việt Nam. IAEA có khoảng 245 thanh sát viên và hàng năm tiến hành khoảng 2000 vụ thanh sát đến trên 1100 cơ sở hạt nhân trên toàn thế giới (bao gồm nhà máy điện hạt nhân, lò nghiên cứu, nhà máy chuyển hóa, làm giàu, chế tạo nhiên liệu, tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng cũng như các cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng). Trong lĩnh vực an toàn và an ninh hạt nhân sẽ diễn ra Diễn đàn về giám sát pháp quy các cơ sở chu trình nhiên liệu hạt nhân và chế biến tài nguyên urani, thảo luận chuyên gia về các thách thức đối với việc bảo đảm an toàn bức xạ cho các bệnh nhân trẻ tuổi, Diễn đàn Hoa kỳ- Ibero cho các cơ quan pháp quy về an ninh hạt nhân và an toàn bức xạ, hạt nhân nhằm trao đổi để đẩy mạnh mức cao về an toàn, an ninh bức xạ và hạt nhân trong khu vực Hoa kỳ - Ibero, thảo luận chuyên gia vể các thách thức cho việc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân và phục hồi môi trường trên toàn thế giới, thảo luận về an ninh vật liệu phóng xạ, phát triển các thiết bị ghi nhận bức xạ và Diễn đàn hợp tác về pháp quy hạt nhân. Hoạt động hợp tác kỹ thuật là lĩnh vực được các nước đang phát triển như Việt Nam đặc biệt chú ý vì nó sẽ giúp cho các quốc gia thành viên nhận được sự trợ giúp từ IAEA trong phát triển các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phát triển điện hạt nhân. Hợp tác kỹ thuật được thực hiện thông qua một phần các chương trình hợp tác khu vực. Đối với Việt Nam đó là hợp tác khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (RCA). Ngày 16/9 trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng IAEA lần thứ 55, RCA cũng đã tiến hành họp Đại hội đồng RCA lần thức 33 để thảo luận đánh giá về các dự án hợp tác đang triển khai và xây dựng các dự án hợp tác cho giai đoạn 2012-2013. Hiện nay, Việt Nam tham gia trên 40 dự án hợp tác RCA cũng như các dự án hợp tác liên vùng và quốc tế. Các dự án này bao gồm các lĩnh vực về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường, cũng như các dự án về vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và đào tạo cán bộ. Ngoài các hoạt động hợp tác kỹ thuật thông qua các dự án hợp tác vùng (RCA), liên vùng và quốc tế, IAEA còn hỗ trợ các nước thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật song phương. Đối với Việt Nam đó là các dự án hợp tác kỹ thuật VIE. Hiện Việt Nam đang triển khai thực hiện 5 dự án VIE, trong đó có dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy, nâng cao năng lực đánh giá địa điểm cơ sở hạt nhân, phát triển kỹ thuật NDE để kiểm tra nồi hơi các nhà máy nhiệt điện và xây dựng năng lực phân tích hạt nhân phục vụ kiểm soát môi trường. Trong giai đoạn 2012-2013, Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị IAEA hỗ trợ dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cơ quan pháp quy, tăng cường năng lực đào tạo công nghệ hạt nhân, điều tra tài nguyên urani và kiểm soát sâu bệnh hại cây trồng bằng kỹ thuật SIT. Trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng lần này, Đoàn Việt Nam sẽ làm việc với Vụ Hợp tác kỹ thuật để xem xét đánh giá các dự án đang triển khai và trao đổi thảo luận về các dự án cho giai đoạn 2012-2013. Chiều 19/9, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc Cơ quan thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Úc để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam đã làm việc với Đại sứ và phái đoàn của Mông Cổ để trao đổi về khả năng hợp tác giúp đỡ của Việt Nam cho Mông Cổ trong phát triển ứng dụng NLNT trong các ngành kinh tế xã hội và quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân. Phía Việt Nam đồng ý tiếp Đoàn của Mông Cổ sang thăm Việt Nam đầu năm 2012 và sẵn sàng nhận các thực tập sinh của Mông Cổ sang học tập tại Việt Nam qua con đường của IAEA. Trong các ngày tiếp theo sẽ có một số cuộc tiếp xúc song phương của Đoàn Việt Nam với một số nước để trao đổi về một số vấn đề mà 2 bên cùng quan tâm. Thông tin chi tiết sẽ được thông báo trong các bản tin tiếp theo về hoạt động của phái Đoàn Việt Nam.
|