Bản in
Thảo luận về các biện pháp tăng cường an toàn hạt nhân trên phạm vi toàn cầu
Từ ngày 20- 24/6, tại Áo, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) diễn ra hội nghị quốc tế bàn về vấn đề an toàn hạt nhân, với trọng tâm là những bài học rút ra sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, do thảm họa kép động đất-sóng thần gây hồi tháng 3 vừa qua.

Nội dung chủ yếu tại Hội nghị tập trung vào sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Hơn 900 đại biểu tham dự hội nghị đã được nghe báo cáo vắn tắt từ phía đội thanh sát IAEA và đại diện Chính phủ Nhật Bản về sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima sau thảm họa kép hồi tháng 3/2011. Thông qua đó,  Bộ trưởng các nước thành IAEA đã nhất trí thành lập một khuôn khổ quốc tế mới giúp các quốc gia có thể hợp tác trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân khẩn cấp, đồng thời thông qua một bản tuyên bố cấp Bộ trưởng cho phép IAEA cử các chuyên gia tới xem xét và đánh giá tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân theo định kỳ.

Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng giá đốc IAEA đã đề xuất 5 vần đề nhằm thiết lập một khuôn khổ an toàn hạt nhân được tăng cường sau tai nạn Fukushima và có tính thực tiễn bao gồm: Tăng cường các tiêu chuẩn an toàn của IAEA và bảo đảm cho chúng được áp dụng trên toàn cầu; Xem xét đánh giá tình trạng an toàn của các nhà máy điện hạt nhân theo 2 bước; Xem xét các cơ quan pháp quy hạt nhân của các nước, tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hạt nhân;

Tăng cường hệ thống ứng phó toàn cầu. Đề xuất các nhà vận hành nhà máy điện hạt nhân phải có kho dự trữ các thiết bị ứng phó như máy phát điện dự phòng để có thể sẵn sàng đưa tới nhà máy bị nạn, IAEA sẽ tổ chức đăng ký dịch vụ chuyên gia kỹ thuật về tự động hoá, cứu hoả,… để có thể cung cấp cho nước thành viên gặp nạn, liên kết các đội ứng phó của các nước trong hệ thống chung thông qua đầu mối của mạng lưới trợ giúp và ứng phó của IAEA, thực thi hiệu quả các điều ước quốc tế có liên quan; Vai trò của IAEA trong việc tiếp nhận và phổ biến thông tin về sự cố, tai nạn hạt nhân, trong đó cần tăng cường khả năng của IAEA trong việc phân tích và đưa ra các kịch bản sự cố phát triển và ảnh hưởng phóng xạ liên quan cũng như xem xét lại thang sự cố hạt nhân INES của IAEA.

Đại diện Việt Nam đã tham gia và trình bày Báo cáo quốc gia tại phiên toàn thể và thảo luận ở các nhóm làm việc chuyên môn. Các bải học rút ra từ tai nạn Fukushima sẽ được Việt Nam nghiên cứu để làm tốt hơn công tác bảo đảm an toàn trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Q. Hoa (Theo vaec, chinhphu)