Bản in
Thế giới cần cái nhìn mới về hạt nhân
Mặc dù tai nạn tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản đã xảy ra và đến nay tình hình vẫn nghiêm trọng, nhưng dường như sự kiện này không làm giảm đáng kể sự quan tâm toàn cầu về năng lượng hạt nhân.

Vẫn rất cần điện hạt nhân
Thế giới đang phải đối mặt với vấn đề khí hậu nóng lên toàn cầu, bất thường về thời tiết và thiếu hụt điện. Có bao nhiêu nước nhìn nhận một cách nghiêm túc một tai nạn hạt nhân kiểu Three Mile Island hay Chernobyl sẽ làm đóng cửa ngành công nghiệp hạt nhân?

Câu trả lời được khẳng định là rất ít. Các nước như Hàn Quốc và Pháp luôn tự hào về các hồ sơ vận hành an toàn cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.

Sự tăng vọt giá dầu và khí đốt kết hợp với sự gia tăng nhu cầu về năng lượng sẽ duy trì cái được gọi là sự hồi sinh của hạt nhân - một sự thay đổi cách nhìn nhận của thế giới về điện hạt nhân. Sự hồi sinh của hạt nhân đã tiến triển nhanh chóng ở các nước như Trung Quốc, nơi mà 28 lò phản ứng hạt nhân được báo cáo đang trong quá trình xây dựng.


Rất ít, nếu có, các nguồn năng lượng có thể thay thế cho điện hạt nhân và trong nhiều thập kỷ nữa vẫn vậy. Do đó, thế giới phải thừa nhận thực tế: rút ra các bài học từ tai nạn Fukushima Daiichi và làm cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong tương lai an toàn hơn và an ninh hơn. Đây là một thách thức lớn.


Cho đến thời điểm tai nạn Fukushima, sự hồi sinh của điện hạt nhân đang bao trùm khoảng 65 quốc gia. Ít nhất 45 quốc gia trong số đó chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng hoặc vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Các nước thành viên của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân, thậm chí các quốc gia thiếu kinh nghiệm, được đảm bảo tiếp cận công nghệ hạt nhân miễn là họ cam kết không bao giờ sử dụng vì mục đích quân sự. Họ có lý do để thực hiện các quyền của mình trong Hiệp ước.


Tình trạng thiếu năng lượng là rào cản cho sự phát triển kinh tế bền vững. Các động cơ khác như uy tín, niềm tự hào và tham vọng quốc gia cũng chiếm một phần trong các lý do đó.
Chính phủ các nước khao khát sự nổi tiếng về năng lực khoa học và công nghệ cũng như các dự án quy mô lớn được thực hiện thành công. Năng lượng hạt nhân là bằng chứng cho việc nâng cao sức mạnh và vị thế của quốc gia trong một thế giới đa cực. Một số thì hy vọng tích lũy được công nghệ và bí quyết hạt nhân để mở ra triển vọng quân sự mới.


Tuân theo các tiêu chuẩn vàng
Câu hỏi đặt ra không phải là liệu năng lượng hạt nhân sẽ phát triển rộng trên toàn cầu mà là khi nào? Làm thế nào các nước có nhu cầu lớn về năng lượng có thể khai thác được sức mạnh của nguyên tử, thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà không gây nguy hiểm cho các nước láng giềng?


Có một giải pháp là một tập đoàn quốc tế và các đơn vị tư nhân sẽ xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân hiện đại trong các khu vực thiếu năng lượng. Các nhà máy này sẽ tuân theo các tiêu chuẩn vàng về an toàn và an ninh hạt nhân. Đồng thời thúc đẩy sự cân bằng giữa nguyện vọng của quốc gia và nghĩa vụ quốc tế.


Kinh nghiệm tập thể và hợp tác quốc tế mang lại các lợi ích rõ rệt khi xảy ra sự cố Fukushima. Giống như Three Mile Island và Chernobyl, Fukushima đem lại nhiều bài học cho sau này. Đây là thời điểm để phát triển một tầm nhìn mới, sáng tạo về quản trị năng lượng hạt nhân toàn cầu, mang lại các lợi ích của điện hạt nhân và giảm bớt nguy hiểm của nó.


Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự sáng suốt của những nhà lãnh đạo thế giới và sự đổi mới tư tưởng của tất cả những người tham gia, điều chỉnh khung pháp lý hiện hành, mở rộng vai trò của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các tổ chức quốc tế khác. Được coi như phương tiện để bắt đầu và thúc đẩy tiến trình là hai sự kiện quốc tế: Hội nghị thượng đỉnh An toàn hạt nhân dự kiến diễn ra cuối năm và Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân sẽ được tổ chức vào tháng tư năm tới tại Seoul.


Lan Anh (Theo Korea Times)