Bản in
Bác bỏ tin đồn về mây phóng xạ mức độ cao tại Việt Nam
Một số thông tin trên mạng gần đây nói rằng "mây phóng xạ từ Nhật Bản đã vào Việt Nam với mức độ rất cao, gần tới mức ảnh hưởng tới sức khỏe của con người". Các chuyên gia hạt nhân khẳng định: Đây là tin đồn thất thiệt.

Theo báo cáo của Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ, về cơ bản phóng xạ đã ghi nhận được ở hầu hết các khu vực của Bắc Bán cầu và một số ở Nam Bán cầu. Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận được phóng xạ từ sự cố Fukushima, tuy nhiên mức độ rất thấp - khoảng vài chục µBq/m3 (10-6Bq/m3) đối với 2 đồng vị chủ yếu là I-131 và Cs-137. Trong khi đó giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn của Việt Nam là 10 triệu µBq/m3 đối với I-131 và 2 triệu µBq/m3 đối với Cs-137.
Giả thiết trong trường hợp xấu nhất là đám mây phóng xạ mạnh gần nhất hiện nay (màu xanh dương) bao phủ lên lãnh thổ Việt Nam (trong ngày 10/4) thì mức phóng xạ sẽ tăng đến mức gấp 100 lần so với mức đã phát hiện được. Khi đó nồng độ phóng xạ quan trắc được cũng sẽ chỉ là vài ngàn µBq/m3, tức là cũng vẫn thấp hơn hàng ngàn lần so với giá trị giới hạn quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, đã tiến hành phân tích một số mẫu nước biển của Việt Nam, nhưng chưa phát hiện thấy các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố Fukushima.
Theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (từ 7-8/4), trong sol khí lấy tại Đà Lạt, chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất).
Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 08/4/2011 so với ngày 7/4/2011.
Theo nguồn tin từ Diễn đàn Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản (JAIF), Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản (NISA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), hồi 23:32 ngày 7/4 giờ Nhật Bản (21:32 giờ Việt Nam) một trận động đất mạnh 7,1 độ đã xảy ra tại Nhật Bản với tâm chấn nằm cách nhà máy điện hạt nhân Onagawa (tỉnh Miyagi) 20 km, cách nhà máy Fukushima I và II khoảng 120 km. NISA xác nhận tình hình các cơ sở hạt nhân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất không có gì tổn hại quá nghiêm trọng.
Việc bơm nitơ vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của Tổ máy số 1 bắt đầu từ 1:30 ngày 5/4 giờ Nhật Bản (23:30 ngày 4/4 giờ Việt Nam) đến nay vẫn diễn ra suôn sẻ. TEPCO dự định việc này sẽ kéo dài trong 6 ngày.
Tính đến ngày 7/4, khoảng 6.000 trong tổng số 11.500 tấn nước có nồng độ phóng xạ thấp đã được TEPCO xả ra biển.
Do TEPCO đã bịt được lỗ rò rỉ ở gần Tổ máy số 2, nên nồng độ phóng xạ trong nước biển ở đây đã giảm nhưng còn rất cao. Cụ thể ngày 6/4 đã đo được I-131 ở mức 5.600 Bq/cm3 trong mẫu nước biển lấy gần cửa lấy nước của nhà máy, chỉ bằng khoảng một nửa kết quả đo ngày 5/4, nhưng vẫn gấp 140.000 lần mức độ cho phép.
TEPCO cho biết đã tiếp tục tìm thấy Pu-238 ở mức 0,26 Bq/kg trong các mẫu đất thu thập từ ngày 25-28/3 tại 4 địa điểm trong khu vực nhà máy. Đây là mức độ nhỏ và không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Còn suất liều gamma đo tại 45 tỉnh không có sự thay đổi so với ngày hôm qua.
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu dùng tàu đánh cá để kiểm tra mức độ phóng xạ của cá tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Ibaraki, phía Nam nhà máy Fukushima I.

Hà Giang (Tổng hợp)