|
|||
Tại Phiên họp, có 6 báo cáo tham luận được trình bày và thảo luận liên quan đến bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế và công nghiệp. Báo cáo về công tác đảm bảo an toàn bức xạ, KS. Nguyễn Trung Hiếu, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho biết, Bệnh viện Ung Bướu TP.Hồ Chí Minh là bệnh viện chuyên khoa ung thư lớn ở phía Nam được trang bị đầy đủ nguồn lực về trang thiết bị và con người để thực hiện các phương pháp điều trị ung thư gồm phẫu trị, hóa trị, y học hạt nhân và xạ trị, đặc biệt có thể xạ trị bằng các kỹ thuật cao như IMRT/VMAT, IGRT, SBRT/SRS. Bệnh viện tiến hành các công việc bức xạ gồm sử dụng với 13 máy gia tốc xạ trị, 04 thiết bị xạ trị áp sát suất liều cao và sử dụng các nguồn phóng xạ trong y học hạt nhân gồm I-131, Tc-99m và Sm-153. Bên cạnh những hiệu quả, lợi ích của bức xạ đem lại, trong quá trình sử dụng cũng có nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến hậu quả gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người nếu sự tác động của bức xạ vượt quá giới hạn an toàn. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế được đặt lên hàng đầu tại các cơ sở y tế cũng như tại Bệnh viện Ung Bướu Tp.Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường xung quanh. PGS.TS. Lê Ngọc Hà, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, trong một thập kỷ gần đây, y học hạt nhân tại Bệnh viện TWQĐ đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong các ứng dụng trong lâm sàng, đào tạo và nghiên cứu khoa học… theo chiến lược, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử của Nhà nước và qui hoạch ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế. Việc ứng dụng công nghệ PET/CT và hệ thống cyclotron cung cấp dược chất phóng xạ đã đánh dấu sự phát triển của y học hạt nhân ngang tầm với các nước trong khu vực. Hiện nay, kỹ thuật F-FDG PET/CT đã trở thành kỹ thuật thường qui, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư. Các ứng dụng khác của PET/CT cùng với việc nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các dược chất phóng xạ mới từ cyclotron hứa hẹn sẽ là những bước phát triển của y học hạt nhân trong thời gian tới. PGS.TS. Lê Ngọc Hà cũng đưa ra những định hướng và thách thức của y học hạt nhân như nguồn nhân lực và đào tạo còn hạn chế, các bất cập trong chính sách phát triển, tổ chức và sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực này.
TS. Đặng Thanh Lương, Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ tại Hội nghị TS. Đặng Thanh Lương, Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ về Rủi ro bức xạ trong chiếu xạ y tế đối với bệnh nhân và nhân viên y tế, vấn đề văn hóa an toàn trong y học bức xạ. Báo cáo trình bày tổng quan về hiện trạng phơi nhiễm trong y tế và những rủi ro mà chúng ta đang và sẽ phải gánh chịu nếu như không có cơ chế quản lý đúng và hiệu quả. Đồng thời cũng đưa ra bức tranh hiện tại về tình hình quản lý liều bệnh nhân của Việt Nam và nêu ra một số giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bằng bức xạ trên tinh thần của Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lấy bệnh nhân làm trung tâm. ThS. Cao Văn Chung, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ cũng báo cáo tại Hội nghị về tình hình Triển khai và ứng dụng công nghệ bức xạ trong chiếu xạ thực phẩm, dụng cụ y tế và sản xuất các chế phẩm tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ - giai đoạn 2000 đến nay. Phiên họp cũng nghe báo cáo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh về Vai trò, trách nhiệm và thực trạng kỹ sư vật lý ở khoa chẩn đoán hình ảnh. Tin, ảnh: Hà Chi |