|
|||
Mở đầu phiên họp, ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục ATBXHN đã trình bày báo cáo về Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân giai đoạn 2020-2025. Triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ban hành kèm theo Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Cục ATBXHN đã chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Dự kiến Hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật sẽ được trình Chính phủ vào năm 2024; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2026. Cùng với nhiệm vụ sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, trong giai đoạn 2022-2024, Cục ATBXHN tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và quản lý an toàn lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; trong đó có nhiệm vụ sửa đổi Thông tư 25/2014/TT-BKHCN về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân và Thông tư 34/2014/TT-BKHCN về đào tạo an toàn bức xạ.
Ông Nguyễn Ngọc Huynh, Trưởng phòng Cấp phép, Cục ATBXHN báo cáo Là cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn bức xạ, hạt nhân, hoạt động cấp phép về an toàn bức xạ, hạt nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Cục ATBXHN. Nói về hiện trạng và định hướng công tác cấp phép về an toàn bức xạ và hạt nhân, ông Nguyễn Ngọc Huynh, Trưởng phòng Cấp phép, Cục ATBXHN cho biết, trong thời gian qua, Cục ATBXHN tăng cường cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng thẩm định, cấp phép về an toàn bức xạ và hạt nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng dụng NLNT đi vào hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và hoạt động quản lý nhà nước về cấp phép đã đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay của các ngành nghề kinh tế - xã hội, đặc biệt khi các nhu cầu ứng dụng NLNT ngày càng nhiều và tăng nhanh trong những năm gần đây. Cục ATBXHN đã triển khai 31 Dịch vụ công cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép có thể lựa chọn thực hiện theo quy trình, thủ tục cấp phép như hành chính thông thường hoặc thông qua các hệ thống cấp phép trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) kết nối cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đối với hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu nguồn phóng xạ.
Ông Phạm Xuân Linh, Chánh thanh tra Cục ATBXHN báo cáo Cùng với công tác cấp phép, thanh tra cũng là một trong những phương thức quản lý hiệu quả để tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Ông Phạm Xuân Linh, Chánh thanh tra Cục ATBXHN đã báo cáo nêu bật kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do Cục ATBXHN và các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương tiến hành trong giai đoạn 2020-2022. Đồng thời, báo cáo đưa ra đánh giá về các kết quả đạt được, các hạn chế tồn tại trong thời gian qua và đề xuất một số định hướng cho hoạt động thanh tra ATBXHN trong thời gian tới. Tiếp đó, phiên họp đã nghe các báo cáo về: Khung chương trình quốc gia (CPF) về hợp tác kĩ thuật giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2022-2027; Nâng cao chất lượng đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn; và Quy định về quản lý chất thải phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên (NORM); Xây dựng bản đồ và lộ trình ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế. Các báo cáo nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự tại Hội nghị. Lê Hà |