Bản in
Nhật Bản gia cố "bức tường băng" tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Bức tường băng đã được dựng lên để hạn chế nước ngầm rò rỉ vào trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi sau thảm họa năm 2011 nhưng có dấu hiệu xuất hiện tình trạng tan băng một phần ở bức tường này.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản sẽ tiến hành sửa chữa nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi để gia cố bức tường băng tại nhà máy nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ nước ngầm.

Quyết định được đưa ra sau khi các kết quả kiểm tra cho thấy xuất hiện tình trạng tan băng một phần ở bức tường này.

Theo kế hoạch được đơn vị vận hành nhà máy công bố ngày 25/11, công tác sửa chữa sẽ được triển khai sớm nhất là từ đầu tháng 12.

Đây cũng là một phần của chương trình tốn kém và phức tạp nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy này sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011.

Bức tường băng được dựng lên để hạn chế nước ngầm rò rỉ vào trong nhà máy. Tình trạng rò rỉ xảy ra sau thảm họa năm 2011 đã gây ra một lượng lớn nước nhiễm xạ độc hại, buộc TEPCO phải hút lên, chứa trong các téc nước lớn và tìm cách xử lý.

Nhật Bản có kế hoạch giải phóng hơn 1 triệu tấn nước đã qua xử lý ra biển.

Thảm họa tại nhà máy điện Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Thảm họa xảy ra ngày 11/3/2011 sau khi một trận động đất có độ lớn 9,0 đã gây ra sóng thần quét qua khu vực ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản, khiến gần 20.000 người thiệt mạng, 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Sự cố tại nhà máy điện này đã khiến một lượng lớn chất phóng xạ rò rỉ vào không khí, đất và nước ở khu vực quanh.

Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 300 tỷ USD để tái thiết vùng Tohoku bị tàn phá nặng nề sau thảm họa này.

Tuy nhiên, các khu vực quanh nhà máy Fukushima Daiichi vẫn bị giới hạn do lo ngại mức phóng xạ còn cao.

Chỉ 9 trong số 33 lò phản ứng thương mại còn lại của Nhật Bản được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn hậu Fukushima và chỉ 4 lò phản ứng đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa.