|
|||
Theo kênh CNN (Mỹ), Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã đóng cửa lò phản ứng Tổ máy số 1 của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn do "một lượng nhỏ nhiên liệu đã bị rò rỉ" trong quá trình vận hành, nhưng mức độ rò rỉ vẫn "nằm trong giới hạn cho phép của các thông số kỹ thuật." Động thái này được đưa ra sau cuộc thảo luận kỹ lưỡng với các nhân viên kỹ thuật Pháp và Trung Quốc. Trong tuyên bố, nhà điều hành cho biết lò phản ứng Tổ máy số 1 của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn đã quyết định “đóng cửa để bảo trì, đồng thời xem xét nguyên nhân hư hỏng nhiên liệu và thay thế nhiên liệu bị hỏng”. Giới chức nhấn mạnh lò phản ứng vẫn “an toàn và nằm trong tầm kiểm soát".
Hôm 14/6, Công ty hạt nhân Pháp Framatome – công ty con của Tập đoàn năng lượng Pháp EDF, đơn vị hỗ trợ vận hành nhà máy Đài Sơn – đã cảnh báo về “mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra” tại nhà máy này và nhờ Mỹ điều tra khả năng rò rỉ.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cho biết mức độ bức xạ xung quanh nhà máy là bình thường, “chưa đến 0,01%” trong số hơn 60.000 thanh nhiên liệu trong lò phản ứng Tổ máy số 1 bị hỏng. Giới chức Trung Quốc cho hay hư hỏng là điều “không thể tránh khỏi” do các yếu tố bao gồm sản xuất và vận chuyển nhiên liệu.
Vào tháng 7, một phát ngôn viên của EDF cho biết tình hình đã trở nên “nghiêm trọng”, nhưng không phải là trường hợp khẩn cấp. Theo người phát ngôn, nếu lò phản ứng này ở Pháp, nó sẽ phải đóng cửa do "các thủ tục và thông lệ về vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp." Song người phát ngôn không trực tiếp kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động tại nhà máy, nhấn mạnh rằng đây là quyết định của CGN.
Nhà máy năng lượng hạt nhân Đài Sơn đã đi vào hoạt động thương mại từ tháng 12/2018. Đây là nhà máy đầu tiên trên thế giới vận hành lò phản ứng hạt nhân EPR thế hệ tiếp theo. Lò phản ứng hạt nhân EPR được quảng bá là an toàn và hiệu quả hơn so với các lò phản ứng thông thường trong khi tạo ít chất thải hơn.
Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới. Các nhà lãnh đạo nước này cũng coi năng lượng hạt nhân là lựa chọn để giảm ô nhiễm không khí và hạ nhu cầu nhập khẩu xăng dầu được coi tiềm ẩn rủi ro an ninh. |