|
|||
Sáng 14/10/2020, tại thành phố Ninh Bình, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Ninh Bình đã chính thức khai mạc Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 4. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình Nguyễn Toàn Thắng đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh, thành trong cả nước; các nhà khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT); đại diện lãnh đạo và nhân viên phụ trách an toàn bức xạ tại các cơ sở tiến hành công việc bức xạ, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, các cơ sở hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT trong cả nước. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trải qua 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân, ngành NLNT đã đạt được những thành tựu đáng kể, khẳng định đóng góp to lớn của ứng dụng NLNT trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với các lĩnh vực y tế, công nghiệp và xây dựng. Nhìn lại hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân 2 năm vừa qua, chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được bổ sung và từng bước hoàn thiện; công tác cấp phép ngày càng được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp, giảm thủ tục hành chính, số lượng hồ sơ xin cấp phép tăng, đã kết nối với cơ chế 1 cửa quốc gia, 1 cửa ASEAN đối với hoạt động xuất nhập khẩu chất phóng xạ; công tác thanh tra đã góp phần chấn chỉnh, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về NLNT tại các cơ sở, ngăn chặn và xử lý kịp thời một số trường hợp có nguy cơ mất an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ. Mặc dù vậy vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vấn đề quản lý các hoạt động thu mua, nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc đã qua sử dụng có nguy cơ nhiễm xạ, vấn đề quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân.
Toành cảnh Hội nghị Thứ trưởng Bộ KH&CN mong muốn, tại Hội thảo lần này sẽ tập trung đánh giá hiện trạng của công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân và kết quả thực hiện các kiến nghị từ Hội nghị pháp quy các lần trước. Hội nghị sẽ tạo được diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực NLNT chia sẻ cởi mở về hiện trạng công tác quản lý, các khó khăn, vướng mắc để từ đó đưa ra các kiến nghị cụ thể về nhiệm vụ và giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân. Phát biểu chào mừng Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình Nguyễn Toàn Thắng cho biết, các ứng dụng NLNT đã trở nên rất phổ biến, gần gũi trong đời sống, kinh tế, xã hội trên cả nước. Tại Ninh Bình, các ứng dụng NLNT cũng rất đa dạng bao gồm các cơ sở X-quang y tế, công nghiệp sử dụng các thiết bị phát tia X, máy gia tốc tuyến tính… Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân của chính các cơ sở cũng như công tác quản lý nhà nước cũng được đẩy mạnh, củng cố. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình luôn chú trọng, quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời công tác bảo đảm an toàn bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh và đã có những kết quả tốt. Ngoài việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước như cấp phép, thanh tra, Ninh Bình cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đối với các cơ sở, không để xảy ra mất an toàn, an ninh. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực NLNT, quản lý an toàn bức xạ hạt nhân; tăng cường hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ hạt nhân; xây dựng năng lực ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại Hội nghị Ông Nguyễn Toàn Thắng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ là diễn đàn thiết thực giúp các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân đánh giá, rút kinh nghiệm các hoạt động triển khai, tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý tại các địa phương; giữa các cơ quan quản lý địa phương với Trung ương; giữa các cơ sở có hoạt động trong lĩnh vực NLNT. Đồng thời qua các trao đổi trực tiếp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề đạt những kiến nghị, các cơ quan quản lý nắm rõ hơn tình hình thực tế tại cơ sở, nhận biết những tồn tại, bất cập để tháo gỡ cho cơ sở, nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Tỉnh Ninh Bình luôn tin tưởng và mong muốn Bộ KH&CN và Cục ATBXHN tiếp tục hỗ trợ Ninh Bình cũng như các địa phương khác trong đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân. Tại Lễ khai mạc Hội nghị, đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho 14 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố năm 2018-2019. Ngay sau Lễ khai mạc, Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải có bài trình bày về công tác quản lý nhà nước về ATBXHN ở Việt Nam kể từ Hội nghị Pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 3 bao gồm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cấp phép, thanh tra, các hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước. Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn vướng mắc gặp phải và đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, duy trì và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT ở nước ta. Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATBXHN cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý (TC, QCKT trong y tế, an ninh hạt nhân, quản lý vật liệu NORM), sửa Luật NLNT và sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về đăng ký tiến hành công việc bức xạ và dịch vụ ứng dụng NLNT. Cùng với đó là tăng cường công tác thẩm định cấp phép, công tác thanh tra và xử lý vi phạm, tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ Báo cáo tại Hội nghị về công tác quản lý nhà nước về ATBXHN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2019, Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ cho biết: Tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có tổng số 56 cơ sở bức xạ với 77 thiết bị X - quang chẩn đoán trong y tế, 23 máy phát tia X sử dụng trong công nghiệp, 30 nguồn phóng xạ; trong đó 48 cơ sở y tế sử dụng 76 thiết bị X – quang, 01 máy gia tốc; 8 cơ sở công nghiệp sử dụng 30 nguồn phóng xạ và 23 thiết bị đo kiểm tra công nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động liên quan đến bức xạ đã đi vào nề nếp, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này được nâng cao. Tổng quan về hiện trạng và triển vọng phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ tại Việt Nam được TS. Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử trình bày tại Hội nghị. Báo cáo đưa ra những kết quả chủ yếu và triển vọng phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, chiếu xạ và xử lý bức xạ, an ninh hải quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và những yêu cầu cho công tác tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp theo đó, PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền giới thiệu một số kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu và triển khai tại Viện NCHN phục vụ hỗ trợ cho công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân. Ngoài ra, hoạt động đào tạo về an toàn bức xạ và hạt nhân cũng được đề cập.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ Ông Đặng Thanh Lương, Chuyên gia về năng lượng nguyên tử đã có bài trình bày về Vai trò trách nhiệm của Vật lý y khoa trong y học bức xạ nói chung và tại các khoa xạ trị, y học hạt nhân và chẩn đoán hình ảnh nói riêng cũng được trình này tại Hội nghị. Báo cáo trình bày kinh nghiệm của thế giới về cách phân ngạch cấp bậc vật lý y khoa lâm sàng (ILO, EU, AFOMP) và mô hình đạo tạo vật lý y khoa của một số tổ chức quốc tế như IAEA, AFOMP, CANADA và MỸ; kinh nghiệm xây dựng các quy định mang tính pháp quy của một số tổ chức như EU và IAEA đối với vai trò và trách nhiệm của vật lý y khoa trong việc chăm sóc sức khoẻ và bảo đảm an toàn bức xạ đối với bệnh nhân và một số hoạt động về đào tạo vật lý y khoa cũng như thực hiện dự án VIE 6030 và 6088 liên quan tới xây dựng chương trình đào tạo và huấn luyện vật lý y khoa của trường đại học Nguyễn Tất Thành cũng như hiện trạng đào tạo vật lý y khoa của Việt Nam.
Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải báo cáo về công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân ở Việt Nam Hội nghị diễn ra từ ngày 14-16/10. Tại các phiên họp toàn thể theo chuyên đề, các đại biểu sẽ cùng thảo luận về các nội dung chính gồm: Công tác quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân; An toàn bức xạ trong y tế; Hoạt động nghiên cứu – phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho công tác quản lý nhà nước về ATBXHN. Bảo Chi
|