|
|||
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ KH&CN, Tổng cục Hải quan, Cục hải quan 5 tỉnh, thành phố, Sở KH&CN 11 tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam và một số doanh nghiệp mua bán, sản xuất, kinh doanh liên quan đến sắt thép. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, cùng với sự phát triển của ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội cũng đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn về bức xạ trong đó có nguy cơ từ sắt thép phế liệu nhiễm xạ nhập khẩu vào Việt Nam. Việt Nam cũng đã ghi nhận một số sự cố liên quan đến mất an toàn, an ninh từ loại hình vận chuyển, thu mua phế liệu sắt, thép và hàng hóa nhiễm xạ. Đây là vấn đề bận tâm lớn hiện nay đối với cơ quan quản lý và rất cần được tăng cường quản lý nhằm giảm thiểu ảnh hưởng phóng xạ. Thứ trưởng cũng giao Cục ATBXHN, qua Hội thảo này, nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, tham luận để báo cáo với Bộ KH&CN, từ đó đề xuất Chính phủ và Bộ, ngành liên quan các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
Phó Cục trưởng Cục ATBXHN Trần Bích Ngọc tại Hội thảo Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN Trần Bích Ngọc đã trình bày về Thực trạng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý phế liệu sắt, thép và hàng hóa nhiễm xạ tại Việt Nam, từ đó nêu ra những vấn đề còn tồn tại và có các đề xuất, kiến nghị. Hội thảo cũng nghe bài trình bày của đại diện Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính về Công tác kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại các cửa khẩu; Tổng Cục môi trường, Bộ TN&MT về Công tác quản lý chất lượng phế liệu sắt, thép nhập khẩu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu về Công tác ứng phó sự cố của địa phương với nguồn phóng xạ, vật liệu phóng xạ nằm ngoài kiểm soát. Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Thép Vina Kyoei và Công ty TNHH thép đặc biệt Shengli cũng có bài tham luận về Các rủi ro, khó khăn của doanh nghiệp trong công tác nhập khẩu, thu mua sắt thép phế liệu, máy móc đã qua sử dụng bị nhiễm xạ và các đề xuất kiến nghị cho cơ quan quản lý. Hội thảo đã thảo luận về các giải pháp cần triển khai thực hiện: - Phòng ngừa: hệ thống văn bản, hợp tác quốc tế,.. - Phát hiện: trang thiết bị, quy trình kiểm tra, phân tích mẫu, thông tin tuyên truyền,... - Xử lý: cơ chế phối hợp, ứng phó, trách nhiệm, xử lý vi phạm, khắc phục hậu quả,.. Toàn cảnh Hội thảo Kết luận tại Hội thảo, Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải đã đưa ra 4 đề xuất: (1) rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn hiện nay và thông lệ quốc tế; (2) tăng cường kỹ thuật cho cơ quan quản lý và đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của các Bộ, ngành có liên quan như lắp đặt cổng phát hiện phóng xạ tại các cảng, trang bị thiết bị phát hiện phóng xạ cầm tay, kỹ thuật phân tích giám định,…(3) xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và (4) đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết đặc biệt đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng hải quan và công an trong phát hiện và xử lý sự cố bức xạ, hạt nhân./. Tin: Lan Anh (Cục ATBXHN) Ảnh: Ngũ Hiệp |