Bản in
Nghiên cứu, triển khai và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử
Trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần thứ 3 tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chiều ngày 26/7/2018 đã diễn ra Phiên họp toàn thể về chủ đề “Nghiên cứu, triển khai và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử”. Phiên họp do ông Lê Quang Hiệp - Phó Cục trưởng Cục ATBXHN, ông Trần Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNT) và ông Phan Sơn Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đồng chủ toạ.

Phiên họp đã nghe các báo cáo được trình bày và thảo luận các vấn đề liên quan đến nghiên cứu, triển khai và dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Mở đầu Phiên họp, ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam đã có báo cáo về Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển phục vụ hỗ trợ công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân. Báo cáo trình bày các hoạt động nghiên cứu triển khai của Viện NLNTVN thực hiện trong giai đoạn 2015-2017 trên các lĩnh vực phân tích an toàn hạt nhân và đảm bảo an toàn bức xạ. Các hoạt động nghiên cứu phân tích an toàn hạt nhân bao gồm: Phân tích đánh giá các công nghệ lò VVER của Nga và an toàn điện hạt nhân; Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện bình thường và khi xảy ra sự cố. Các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực đảm bảo an toàn bức xạ bao gồm: Nghiên cứu đánh giá liều chiếu xạ; Nghiên cứu quản lý chất thải phóng xạ; Nghiên cứu về quan trắc phóng xạ môi trường.

Hoạt động nghiên cứu và triển khai dịch vụ đo liều chiếu xạ, kiểm định và hiệu chuẩn của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và Viện NCHN lần lượt được báo cáo tại phiên họp với những kết quả đạt được cũng như việc đảm bảo chất lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này. Một nội dung được trao đổi tại phiên họp là việc áp dụng thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BKHCN trong đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế có nhiều điểm mới và rõ ràng hơn so với trước kia tuy nhiên còn một số vấn đề chưa thỏa đáng. 

Ông Nguyễn Hữu Quyết, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho biết, trong năm 2017 Viện đã thực hiện dịch vụ đọc liều kế cho 600 đơn vị với số lượng 3100 liều kế. Việc áp dụng Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BKHCN trong đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế có nhiều điểm mới và rõ ràng hơn so với trước kia, tuy nhiên còn một số vấn đề chưa thỏa đáng. Không có cơ sở khoa học nào cho việc áp dụng các quy định về diện tích phòng đặt máy để giúp đảm bảo vấn đề an toàn bức xạ, cũng không có tiêu chuẩn nào ở các nước phát triển về an toàn phòng X-quang chẩn đoán áp dụng phép đo suất liều bức xạ.

Phiên họp cũng được nghe báo cáo về kết quả Nghiên cứu phát triển vật liệu và kỹ thuật quang phát quang (OSL) để đo liều bức xạ photon và nơtrôn. Theo báo cáo, hiện nay có 2 loại vật liệu đang được dùng để chế tạo liều kế cá nhân là vật liệu nhiệt phát quang (thermoluminescence – TL) và vật liệu quang phát quang (Optically Stimulated Luminescence – OSL). So với liều kế TLD, liều kế OSL có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là độ nhạy và có thể đọc kết quả nhiều lần. Vì vậy, rất nhiều nước phát triển và đang phát triển đã sử dụng rộng rãi liều kế OSL thay cho liều kế TL. Để có thể sử dụng rộng rãi liều kế OSL tại Việt Nam, trong 3 năm qua Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã nghiên cứu về vật liệu OSL và những đặc trưng cơ bản liều kế OSL loại Inlight model 2 và Inlight LDR model 2 của Hãng LanDauer để tiếp thu công nghệ chế tạo liều kế cá nhân OSL và tiến tới chế tạo vật liệu OSL nhằm nội địa hóa liều kế cá nhân OSL ở VN trong trương lai.

Một số kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu thiết lập trường chuẩn liều neutron tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (KHKTHN) phục vụ cho mục đích hiệu chuẩn thiết bị đo liều neutron cầm tay cũng được báo cáo tại Phiên họp. Theo đó, 07 trường chuẩn liều neutron được thiết lập tại Viện KHKTHN với những thông tin liên quan đến các đại lượng khác nhau như: tương đương liều, phổ thông lượng, năng lượng trung bình, các hệ số hiệu chỉnh khác. Trong đó, đại lượng tương đương liều neutron là quan trọng nhất được sử dụng trong quá trình hiệu chuẩn thiết bị đo liều neutron cầm tay. 

Đánh giá việc tổ chức thực hiện dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ tại Viện NCHN, Trung tâm Đào tạo, Viện NCHN đã báo cáo việc tổ chức thực hiện các khóa đào tạo an toàn bức xạ theo Thông tư số 34/2014/TT-BKHCN, một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của công tác đào tạo cũng như nâng cao ý thức đảm bảo an toàn bức xạ của nhân viên bức xạ góp phần giảm thiểu hiệu ứng ngẫu nhiên để hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ.

Đưa ra cái nhìn tổng quan về dịch vụ sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ trong y tế, ông Dương Văn Đông – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện NCHN cho biết, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPUHNDL) ngày nay với công suất danh định 500 kW là duy nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 11 năm 2017, lò phản ứng đã hoạt động với tổng cộng khoảng 43.954,7 giờ, mức trung bình của mỗi năm hoạt động được 1200 giờ an toàn và khai thác hiệu quả. Hơn 90% thời gian hoạt động lò phản ứng và hơn 80% công suất chiếu xạ đã được khai thác cho nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ (ĐVPX). Trong quá trình hoạt động, lò phản ứng đã được sử dụng thành công trong sản xuất nhiều loại ĐVPX  và dược chất phóng xạ để sử dụng trong y học và các lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật khác. LPUHNDL đã cung cấp khoảng 7982Ci ĐVPX sử dụng trong y học, trong đó có phần lớn là I-131, P-32, máy phát Tc-99m, Sm-153, Lu-177, Cr-51, Co-60, Ir-192 ..., góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của Y học hạt nhân tại Việt Nam. 

Tại Phiên họp, các báo cáo về xây dựng năng lực kỹ thuật đảm bảo công tác quản lý nhà nước và triển khai dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; kết quả kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo an toàn bức xạ của các đơn vị thực hiện dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ năm 2017 cũng được trình bày và nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.

Tin, ảnh: Bảo Chi