|
|||
Tại phiên họp, có 7 báo cáo được trình bày và thảo luận liên quan đến tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ. Mở đầu phiên họp, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN Lê Quang Hiệp đã giới thiệu Tổng quan hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT), định hướng kế hoạch 2018-2020, tổng hợp các văn bản đã được ban hành và có hiệu lực thi hành theo các chủ đề nội dung, các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang chuẩn bị để tham gia và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2018 đến 2020. Đề cập đến việc sửa đổi Luật NLNT, ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục ATBXHN cho biết, trong 10 năm qua, Luật NLNT 2008 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình, đồng thời bảo đảm an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân cho các hoạt động đó. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị tích cực, một số quy định tại Luật còn bất cập, thiếu tính khả thi gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện. Còn có nội dung cần thiết chưa được quy định trong Luật. Từ thực tế trên, theo ông Đinh Ngọc Quang cần phải nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật NLNT trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu các luật liên quan trong nước và kinh nghiệm, tiêu chuẩn, yêu cầu quốc tế. Từ đó điều chỉnh chính sách và xây dựng các quy định phù hợp và hài hòa với các luật liên quan khác trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử rất đa dạng, phong phú, không chỉ là các văn bản quy phạm quy định trực tiếp các hoạt động năng lượng nguyên tử (Luật Năng lượng nguyên tử năm 2018, Nghị định, Thông tư, Quyết định, Quy chuẩn kỹ thuật và Tiêu chuẩn kỹ thuật), mà còn cả các văn bản quy phạm quy định của pháp luật chuyên ngành khác có nội dung điều chỉnh liên quan đến an toàn bức xạ, hạt nhân. Theo ông Đinh Ngọc Quang có 3 phương án sửa đổi Luật NLNT đó là: Xây dựng một Luật NLNT tổng hợp (bao gồm các quy định về đẩy mạnh phát triển ứng dụng NLNT và các quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân) thay thế cho Luật NLNT năm 2008; Tiếp thu những quy định hợp lý, có tính nguyên tắc của Luật NLNT năm 2008, chuyển những quy định cụ thể, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ xuống Nghị định quy định việc thi hành Luật NLNT (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác; Áp dụng các điều khoản mẫu của Sổ tay Luật hạt nhân của IAEA xuất bản năm 2010, nghiên cứu tiếp thu các góp ý của chuyên gia IAEA tại các đợt làm việc năm 2013/2014 và tháng 01/2015 tại Hà Nội và Trụ sở IAEA (Viên, Áo). Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về các quy định bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế và Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định thiết bị bức xạ trong y tế và hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ. Liên quan đến lò phản ứng nghiên cứu mới, ông Nguyễn Quốc Anh, Cục ATBXHN đã có những đề xuất về kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý an toàn lò phản ứng nghiên cứu mới cho các giai đoạn: xem xét phê duyệt địa điểm, phê duyệt dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi) và cấp phép xây dựng. Các đề xuất này được nghiên cứu căn cứ các quy định pháp luật của Việt Nam và trên cơ sở nghiên cứu tiêu chuẩn an toàn lò phản ứng nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cũng như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Liên bang Nga. Những điểm chính của Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia và một số hoạt động cần sớm triển khai thời gian tới cũng được báo cáo tại Phiên họp. Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 16/6/2017. Báo cáo cũng đề xuất một số hoạt động bao gồm: tổ chức xây dựng Quy chế phối hợp và quy trình tác nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ trong ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; thiết lập và duy trì hoạt động hệ thống tiếp nhận thông tin 24/7, tăng cường đầu tư cho đơn vị kỹ thuật, xây dựng và duy trì hệ thống trạm quan trắc; đẩy mạnh việc hợp tác giữa các Bộ, ngành trong lĩnh vực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân thông qua một số hoạt động cụ thể. Nội dung về công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đã kết thúc phần trình bày báo cáo. Tại đây, các đại biểu đã được nghe thông tin về thực trạng hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phục vụ quản lý nhà nước về ATBXHN. Tại phần thảo luận, Phiên họp cũng đã ghi nhận những vấn đề được đại biểu quan tâm trao đổi sôi nổi liên quan đến: quy hoạch chiến lược ứng dụng NLNT, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý trong lĩnh vực NLNT, quy định tiêu chí khám sức khỏe cho người làm việc với bức xạ, quyền lợi của người phụ trách liên quan đến bức xạ, kiểm soát an toàn đối với thiết bị X quang gắn trên xe di động, một số bất cập của Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT ngày 09/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế quy định về đảm bảo an toàn bức xạ trong y tế, quản lý tri thức về an toàn hạt nhân trong bối cảnh dừng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận và kế hoạch xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới…. Tin, ảnh: Bảo Chi
|