|
|||
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông KH&CN, công tác truyền thông KH&CN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua được triển khai như thế nào? Ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN Hòa Bình: Những năm gần đây, công tác truyền thông khoa học công nghệ ngày càng được quan tâm, tăng cường và đẩy mạnh, đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Lĩnh vực truyền thông khoa học công nghệ đã ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của những nhà khoa học. Ý thức được tầm quan trọng của truyền thông khoa học và công nghệ, năm 2016 Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ được thành lập nhằm tăng cường công tác truyền thông khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hoạt động truyền thông khoa học công nghệ với nội dung và phương thức phong phú, như phối hợp với đài truyền hình tỉnh Hòa Bình xây dựng phóng sự truyền hình chuyên mục KH&CN phát trên đài truyền hình tỉnh, đài truyền hình các huyện và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Website của ngành. Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Báo Hòa Bình thường xuyên truyền thông các hoạt động của ngành đến toàn thể công chúng của tỉnh. Các hoạt động liên quan đến việc biên tập, phát hành bản tin, tập san khoa học và công nghệ, nông lịch được chú trọng. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, các nhà khoa học nhiệt tình phối hợp trong việc cung cấp tin, bài giới thiệu các kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm của Sở, hàng năm phát hành trên 4.800 bản tin khoa học và công nghệ; 1.400 cuốn tập san Thông tin KH&CN, 4.000 cuốn nông lịch phát hành đến cấp xã đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin khoa học công nghệ của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Sở KH&CN cũng đã phối hợp với đài truyền hình Việt Nam, đài truyền hình tỉnh Hòa Bình xây dựng phóng sự truyền hình chuyên mục KH&CN phát trên đài truyền hình tỉnh, đài truyền hình các huyện và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Website của ngành, báo Hòa Bình.
Nhìn chung, các hoạt động truyền thông KH&CN tỉnh Hòa Bình đã được quan tâm (về cả tổ chức và cở sở vật chất) và có những chuyển biến nhất định, cung cấp thông tin KH&CN phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước, công tác nghiên cứu, triển khai, và đặc biệt phục vụ tốt trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ KH&CN của doanh nghiệp, bà con nông dân.
PV: Ông có thể nêu một ví dụ cụ thể về hiệu quả truyền thông KH&CN mang lại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình?
Ông Đỗ Hải Hồ: Một trong những hiệu quả nổi bật của truyền thông KH&CN tại tỉnh Hòa Bình là nâng cao hiệu quả kinh tế của cam Cao Phong. Cam Cao Phong là một sản phẩm nông sản đặc sản của huyện Cao Phong nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung. Các giống cam trồng ở Cao Phong có hương vị thơm, ngọt đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày 15/11/2014, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 3947/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao Phong số 00046 cho sản phẩm Cam quả nổi tiếng của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình gồm 04 giống cam: CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh.
Tại lễ đón nhận chỉ dẫn địa lý Cam Cao Phong đã có trên 30 lượt báo, đài truyền hình trung ương, địa phương tham gia viết bài và đưa tin sự kiện, tiêu biểu như: Thông tấn xã Việt Nam, kênh VTV1, VTV2 - Đài truyền hình Việt Nam, báo Hòa Bình, báo Công thương, Báo nông nghiệp, Đài truyền hình trung ương (VTV1, VTV2...), Báo khoa học và phát triển, Kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn - VTC16...
Truyền thông đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sau khi đón nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong”, giá trị sản phẩm Cam Cao Phong được tăng lên rõ rệt: từ chỗ năm 2011, mua buôn tại vườn, giá cam Xã Đoài bình quân khoảng 6.000 đ/kg, cam V2 dao động từ 20.000 - 32.000 đ/kg; năm 2014 giá cam XãĐoài, CS1 từ 20.000 - 25.000 đ/kg, cam V2 từ 60.000 - 80.000 đ/kg, thời điểm cuối vụ cá biệt có hộ bán trên 100.000 đ/kg cam; năm 2016: giá cam Xã Đoài, CS1 từ 30.000 - 35.000 đ/kg bình quân mỗi ha cam cho thu nhập trên 600 triệu đồng/vụ, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng/vụ.
PV: Bên cạnh những hiệu quả thiết thực như trên, theo ông công tác truyền thông KH&CN còn những hạn chế, bất nào?
Ông Đỗ Hải Hồ: Tuy nhiên, hoạt động truyền thông KH&CN vẫn còn nhiều hạn chế như: Số lượng các sản phẩm truyền thông KH&CN còn ít, nội dung chưa phong phú, hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin về KH&CN cho quảng đại quần chúng. Truyền thông KH&CN cũng chưa phản ánh kịp thời hoạt động KH&CN của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của lĩnh vực KH&CN.
Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, hoạt động giới thiệu những thành tựu, kết quả KH&CN, sản phẩm KH&CN, tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa thực sự hiệu quả. Chưa có kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị, các tổ chức KH&CN, nhà khoa học và các cơ quan thông tin đại chúng. Thiếu điểm thông tin KH&CN xã, phường. Năng lực của những người làm công tác truyền thông KH&CN còn thiếu và yếu. Chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ truyền thông KH&CN. Trang thiết bị cho các cơ quan truyền thông KH&CN còn thiếu và yếu.
PV: Giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trên là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Hải Hồ: Để khắc phục tình trạng trên theo tôi cần chú ý một số giải pháp chính như: Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức truyền thông khoa học công nghệ. Thông tin KH&CN không dồi dào cộng với tính phức tạp của nó càng khiến thông tin KH&CN không hấp dẫn như những thông tin khác trong đời sống xã hội. Trong khi đó, hầu hết các thông tin này lại được biên soạn ở dạng thức các báo cáo khoa học nên phần lớn công chúng khó tiếp nhận. Vì vậy, cần phải thay đổi phương thức truyền thông KH&CN phải đảm bảo tính đầy đủ chuyên sâu nhưng cũng vẫn phải đảm bảo tiêu chí hấp dẫn người đọc, có như vậy mới có thể truyền tải đến với nhân dân, mới có thể thu hút sự chú ý của nhân dân.
Tiếp đó cần tổ chức các hoạt động truyền thông KH&CN.Cần phải tổ chức các hoạt động truyền thông KH&CN: hội thảo khoa học về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền ý nghĩa ngày 18/5... từ đó, nâng cao vai trò, vị thế của khoa học trong xã hội, đồng thời truyền tải kịp thời các thông tin KH&CN tới người đọc, người xem.
Cam Cao Phong tăng giá trị rõ rệt nhờ truyền thông KH&CN
Bên cạnh đó cũng phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học, gắn công tác truyền thông KH&CN với trách nhiệm của tổ chức nghiên cứu KH&CN và các cơ quan truyền thông.
Cuối cùng là nâng cao năng lực của những người làm công tác truyền thông KH&CN. Muốn làm tốt công tác truyền thông KH&CN, người làm truyền thông cần phải có sự hiểu biết nhất định đối với những kiến thức theo từng lĩnh vực của KH&CN. Nhà báo viết thông tin khoa học cần kiểm tra tính chính xác và tính cân bằng của bản tin, tránh gây ra những sai sót không đáng có tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sự hấp dẫn của bài báo. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác truyền thông KH&CN. Hiện nay, hệ thống trang thiết bị chuyên dụng của trung tâm thông tin còn yếu và thiếu rất nhiều, do đó trong thời gian tới cần tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để trung tâm đi vào hoạt động hiệu quả.
Với việc thực hiện những giải pháp nêu trên hy vọng trong thời gian tới, công tác truyền thông sẽ đưa KH&CN thấm vào xã hội một cách tự nhiên, tạo ra sự thích thú, phấn khích và hình ảnh gần gũi của khoa học, đưa KH&CN gần với người dân, phục vụ người dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bài, ảnh: Hoàng Anh
|