Bản in
Giải pháp công nghệ mới trong thi công cầu nông thôn
Công nghệ bê tông tính năng siêu cao (UHPC) đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển phù hợp với điều kiện ở nước ta. Mới đây, cây cầu dân sinh Năng An – Xuân Hồi thuộc xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình áp dụng công nghệ trên đã được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Ứng dụng công nghệ mới

Cầu Năng An – Xuân Hồi là cây cầu thứ hai trên toàn quốc và đầu tiên ở miền Bắc được xây dựng áp dụng công nghệ UHPC mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi công nghệ này.

Đã từ lâu nhân dân hai thôn Năng An và Xuân Hồi thuộc xã Xuân Thiện huyện Kim Sơn luôn mong mỏi có được một cây cầu bắc qua sông để thuận tiện cho việc đi lại và canh tác nông nghiệp. Nhưng do điều kiện là một xã thuần nông, dân số ít, nguồn thu ngân sách hàng năm rất khó khăn, không thể có nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cây cầu qua con sông với chiều dài 1,7km.

Thấy được khó khăn trên, các nhà khoa học của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ,  Tổng Công ty Sông Đà - Việt Đức, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình và chính quyền địa phương đã xây dựng chiếc cầu dân sinh bằng công nghệ bê tông tính năng siêu cao, còn gọi là công nghệ UHPC.

Ông Trần Văn Giới, người dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, con em đi học và người dân đi làm ruộng thường hay phải đi đường vòng cả đi cả về mất 2 km, giờ có cây cầu nay con em đi học và người dân đi làm rất thuận tiện.

Cùng chung niềm vui với người dân khi có cây cầu mới, bà Ninh Thị Nuy, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bày tỏ mong muốn Nhà nước xây nhiều cầu để người dân đi lại được thuận lợi hơn.

Nhờ sử dụng bê tông với tính năng siêu cao trong chế tạo nhịp dầm, cầu dân sinh Năng An – Xuân Hồi được thi công trong thời gian rất ngắn chỉ trong 9 ngày và được hoàn thiện trong thời gian 5 ngày, tổng cộng là 14 ngày, tuy nhiên chất lượng đảm bảo và được Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình thẩm định cây cầu có chiều dài 21m trong đó phía dầm mặt cầu là 12m, rộng 2,2m. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân mà còn góp phần vào hoàn thành những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Lễ khánh thành cầu Năng An - Xuân Hồi

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Ông Trần Bá Việt, Phó Viện trưởng Viện xây dựng Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới đang mong muốn sử dụng công nghệ này để nhân rộng ra đem lại hiệu quả  lớn cho xã hội đó là sử dụng tài nguyên hợp lý, ít phát thải, tốc độ thi công nhanh, đóng góp vào hiệu quả kinh tế xã hội lớn hơn và giá thành cũng cạnh tranh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Bình cho biết, việc xây dựng cầu Năng An – Xuân Hồi áp dụng bằng bê tông có tính năng siêu cao vào xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng, vì Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng hệ thống đường, trường, trạm, đặc biệt là hệ thống kênh, mương, cầu cống vì thế xây dựng chiếc cầu bê tông này giảm được chi phí rất nhiều, thời gian làm nhanh, độ bền rất cao.

Cầu Năng An - Xuân Hồi là một trong các kết quả điển hình của hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ do Cục Ưng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì thực hiện hàng năm và cho thấy sự hiệu quả của mô hình kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở Trung ương và địa phương với nhà nghiên cứu khoa học - doanh nghiệp để ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Sự thành công trong xây dựng cầu Năng An – Xuân Hồi đã mở ra triển vọng trong việc sớm triển khai ứng dụng, xây dựng, thí điểm công nghệ bê tông với tính năng siêu cao của Việt Nam cho dự án xây dựng hơn 2.100 cầu nông thôn được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới. Trước mắt, là xây dựng 3 cây cầu theo công nghệ Việt Nam tại tỉnh Trà Vinh, Nghệ An và Thái Nguyên ngay trong năm 2017, làm cơ sở trong việc nhân rộng trong các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Bảo Chi