|
|||
Chiều ngày 22/4 tại tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác của Bộ KH&CN do đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, cùng đi còn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh. Trước buổi làm việc với tỉnh ủy Nghệ An, Đoàn đã dâng hương tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An) để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và kính trọng sâu sắc đối với tư tưởng vĩ đại và cuộc đời vô cùng cao đẹp của Người – Lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, Người đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan. Nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động KH&CN Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 05- NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành KH&CN đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Uy tín của sản phẩm, sự vươn lên tầm toàn cầu của doanh nghiệp là nhờ vào khoa học và công nghệ" và "đầu tư của doanh nghiệp là nòng cốt cho phát triển KH&CN". Đây là thông điệp rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ mong muốn KH&CN là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế và vươn ra thị trường toàn cầu. Năm 2016, hoạt động KH&CN cả nước nói chung và hoạt động KH&CN địa phương nói riêng nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển KH&CN. Tại Hội nghị Giám đốc sở KH&CN được tổ chức gần đây, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt bậc, ngành KH&CN đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất. Quan điểm đột phá là KH&CN phải thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tại buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ sự phấn khởi trước những bước phát triển của tỉnh, trong đó có lĩnh vực KH&CN; đồng thời ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động KH&CN cũng như vai trò tham mưu của Sở KH&CN Nghệ An trong hoạt động KH&CN. Ngoài việc nhất trí cao với 7 định hướng phát triển KH&CN trong thời gian tới của tỉnh như: Hoạt động nghiên cứu KH&CN gắn với ứng dụng thực tiễn, gắn với doanh nghiệp và tạo được một số sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, khối lượng lớn và thương hiệu mạnh từ KH&CN… Bộ trưởng đánh giá việc lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên đầu tư KH&CN của tỉnh như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, y dược,…; chọn tạo giống, thu hoạch, chế biến bảo quản, chế biến, môi trường, khu trú cho các sản phẩm đặc hữu hàng hóa trên địa bàn là minh chứng thành công của tỉnh thời gian qua. Bộ trưởng đề nghị các viện nghiên cứu, các trường đại học tiếp tục vào cuộc để nghiên cứu, phát triển KH&CN, trong đó có thể thành lập các doanh nghiệp KH&CN; các sở, ban, ngành đồng hành cùng ngành KH&CN để thực hiện các mục tiêu đề ra. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết, sản xuất công nghiệp – xây dựng của tỉnh đang trên đà phục hồi, có nhiều tín hiệu tốt tạo năng lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên địa bàn một số nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy sữa TH; Nhà máy xi măng Sông Lam 4 triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BSE của Hàn Quốc; Nhà máy đường NASU; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn; Nhà máy bia Sài Gòn; Nhà máy bia Hà Nội; Nhà máy Royal Foods; Nhà máy tôn Hoa Sen, Nhà máy thức ăn gia súc Cargill, Nhà máy chế biến gỗ MDF... Chỉ tính riêng năm 2016, một số sản phẩm công nghiệp tăng khá như: xi măng tăng 24,86%, gạch granit tăng 12,42%, điện thương phẩm tăng 14,29%, ống nhựa tăng 14,19%, thép hợp kim tăng 130,46%...
Lãnh đạo Bộ KH&CN và tỉnh Nghệ An chứng kiến Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ KH&CN) ký Chương trình phối hợp với Sở KH&CN Nghệ An Để có được những thành tựu trên, nhiều Nghị quyết, cơ chế chính sách, đề án, quy định quản lý trong lĩnh vực KH&CN đã được ban hành như: Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN giai đoạn 2016 – 2020 định hướng đến năm 2025; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ (Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của UBND tỉnh); Quy trình quản lý các nhiệm vụ KH&CN (Quyết định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 02/02/2016 của UBND tỉnh). Một số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC (Công ty CP thực phẩm sữa TH) và doanh nghiệp KH&CN đã có đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN đầu tư phát triển KH&CN như: Tập đoàn TH, Tổng Cty vật tư nông nghiệp, Tập đoàn Nafood, doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn. Chú trọng ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN Theo Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Điền, trên tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 31-7-2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh. Trọng tâm của tỉnh là ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN và công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa. Trong giai đoạn 2014 - 2016, nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương đã được cụ thể hóa thông qua các chương trình nông thôn miền núi, chương trình SHTT, chương trình quỹ gen và dự án độc lập cấp nhà nước,…Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh đã bước đầu thành công và làm chủ được một số kỹ thuật cao như: mổ tim hở, ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, mổ tim hở ở Bệnh viện Sản Nhi; ghép tuỷ hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ung thư, phẫu thuật u phổi, u trung thất, u thực quản, u gan lớn, đốt u phổi, u gan, u cơ trơn tử cung bằng sóng cao tần ở bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Hàng loạt các dự án trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp đã được triển khai có hiệu quả như: dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH, Công ty CP Vinamilk; dự án trồng rau, củ, quả và hoa xuất khẩu nhà kính tại Nghĩa Đàn; dự án vùng nguyên liệu nhà máy chế biến gỗ MDF; dự án sản xuất và chế biến dược liệu do Công ty CP dược liệu TH làm chủ đầu tư,… Đối với công tác sở hữu trí tuệ, việc đăng ký xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã thực sự được các doanh nghiệp quan tâm. Đến nay đã có gần 700 đối tượng được bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản như: Chỉ dẫn địa lý cam Vinh, nhãn hiệu tập thể chè Nghệ An, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp nước mắm vạn phần, nhãn hiệu tập thể gà Thanh Chương, hương trầm Quỳ Châu, Gạo Mường Nọc, Rượu Mú từn, rượu nếp Nghi Đức, Bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, nước mắm Hải Giang 1,... Trong công tác quản lý hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TĐC), tỉnh đã triển khai thành công biện pháp quản lý TĐC trong kinh doanh xăng dầu; niêm phong các đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua đó, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả đóng thuế trên 240 tỷ đồng năm 2016.
Toàn cảnh buổi làm việc Đẩy mạnh KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Với mục tiêu tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ chính trị về phát triển kinh tế xã hội tỉnh và Nghị quyết 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN, trong đó xây dựng Nghệ An thành Trung tâm KH&CN vùng Bắc Trung Bộ. Nghệ An đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh thông qua một số hoạt động như: dự án KH&CN nhằm tăng nguồn lực cho tỉnh với dự án ứng dụng KH&CN phát triển dược liệu và công nghiệp dược trên địa bàn Nghệ An; nâng cấp phát triển Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn chất lượng của Nghệ An ngang tầm Trung tâm vùng; xây dựng và triển khai đề án khởi nghiệp quốc gia trên địa bàn - định hướng khởi nghiệp theo phát triển các lĩnh vực của tỉnh (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ chế biến nông lâm thủy sản; dược liệu và công nghiệp dược,…); dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kêu gọi vốn đầu tư mạo hiểm,… Tại buổi làm việc, thay mặt tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đầu tư về hoạt động KH&CN từ phía Bộ. Đồng thời thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hoạt động KH&CN, phấn đấu đến năm 2020, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khoảng 35%; xây dựng một số sản phẩm hàng hóa có hàm lượng KH&CN cao, thương hiệu mạnh; tăng dần kinh phí tư ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN một cách hợp lý trên cơ sở huy động mọi nguồn lực từ xã hội, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp KH&CN… Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng trong hoạt động KH&CN, trong đó bao gồm xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Bộ trưởng cho rằng thành công của hoạt động KH&CN từ địa phương cũng là thành công của Bộ, ngành KH&CN và ngược lại khó khăn của các địa phương cũng là điều trăn trở của Bộ và cá nhân Bộ trưởng. Tại buổi làm việc, ngoài việc trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Bộ trường Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp thực hiện một số nội dung trọng tâm đối với hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh như: ứng dụng KH&CN phát triển dược liệu và công nghiệp dược; thực hiện một số nhiệm vụ thuộc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, phát triển Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh; hỗ trợ, xây dựng và triển khai đề án khởi nghiệp quốc gia trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tỉnh giúp tỉnh Xiêng Khoảng – Lào trong phát triển tiềm lực và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Liên quan đến chương trình nông thôn miền núi, Bộ sẽ có những hỗ trợ thích hợp trong việc thí điểm huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn kiểu mới. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng hoạt động KH&CN sẽ ngày càng phát triển... Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Bộ dành cho tỉnh Nghệ An và mong muốn trong thời gian tới, các kiến nghị của tỉnh sẽ được Bộ tích cực hỗ trợ hơn nữa để thúc đẩy hoạt động KH&CN của tỉnh ngày càng phát triển.
Bí thư Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc Kết thúc cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư cho rằng tỉnh còn nhiều khó khăn trong việc phát triển hoạt động KH&CN và rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH&CN. Bí thư trân trọng gửi lời cảm ơn tới Bộ KH&CN đã ủng hộ tỉnh và sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để phát triển KH&CN trên địa bàn. Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, Lãnh đạo Bộ KH&CN và tỉnh Nghệ An chứng kiến Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN ký Chương trình phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Nghệ An và trao tặng hệ thống chuẩn kiểm định phương tiện đo độ rọi cho Sở KH&CN Nghệ An. Đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đến thăm Chi cục TĐC tỉnh Nghệ An. Bộ trưởng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Chi cục và mong muốn Chi cục sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Bài, ảnh: Hoàng Phiêu
|