Bản in
Đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng
Khu vực Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất rau lớn nhất cả nước nhưng sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn... Vì vậy, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng dụng và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp an toàn trong vùng Đồng bằng sông Hồng rất quan trọng.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ cho biết tại Hội thảo “Liên kết, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng”, được tổ chức ngày 21/4, tại Ninh Bình. Hội thảo do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất rau, hoa quả an toàn; chăn nuôi lợn; nuôi trồng thủy sản; trồng và chế biến dược liệu của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Nâng cao năng lực đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp


Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng được Chính phủ đặt ra mục tiêu là địa bàn tiên phong của cả nước thực hiện các “đột phá chiến lược”, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng, trở thành đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế.

Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là chìa khoá giúp Đồng bằng sông Hồng tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò là “động lực” cho sự phát triển chung của cả nước.

Đến nay, toàn vùng đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,...được dùng giống mới. Khoảng gần 90% giống cây trồng, vật nuôi được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%. Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, canh tác bền vững, phòng trừ dịch hại, sản xuất theo quy trình Thực hành tốt nông nghiệp (GAP). Bên cạnh đó, việc sử dụng giống mới trong chăn nuôi cũng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt, trứng, sữa. Trong ngành thuỷ sản đóng góp lớn nhất của KH&CN là công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu thuỷ sản.

Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình Hoàng Trọng Lễ nhấn mạnh, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm về rau quả. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Hồng là vùng sản xuất rau lớn nhất cả nước nhưng sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn... Vì vậy, việc hỗ trợ, nâng cao năng lực ứng dụng và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp an toàn trong vùng Đồng bằng sông Hồng rất quan trọng.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, trong đó KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp.

 

Mô hình trồng rau an toàn trong nhà với ưu điểm trồng được nhiều loại cây trái mùa, không phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Lan khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với phát triển kinh tế vùng là do công nghệ chậm được đổi mới đang làm hạn chế lớn đến hiệu quả, sức cạnh tranh của sản xuất và nâng cao năng suất lao động trong vùng. Hình thức tổ chức sản xuất nhỏ, thiếu liên kết các khâu, các ngành theo chuỗi giá trị làm hạn chế quá trình phát triển sản xuất hàng hóa tập trung và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó là tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp là vấn đề đặt ra đối với yêu cầu về giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho dân số nông nghiệp ở nông thôn Đồng bằng sông Hồng. Chưa có cơ chế hợp tác liên kết 5 nhà (Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông và nhà băng) trong sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở nông thôn trong vùng.

Với tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, thách thức đặt ra cho lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay, vai trò và tác động của KH&CN có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng“, bà Trần Thị Hồng Lan nhấn mạnh.

Đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp

Các tham luận tại Hội thảo đều nhận định KH&CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp. Theo báo cáo, các tiến bộ KH&CN đã đóng góp khoảng 30-40% (tùy từng lĩnh vực) vào tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn, tạo giống mới cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng thay thế giống nhập ngoại (từ chỗ nhập khẩu 70% các giống, hiện nay chỉ còn nhập dưới 30%).

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhận định: Trước tình hình mới, nông nghiệp cả nước nói chung và khu vực ĐBSH nói riêng cũng đang bộc lộ một số tồn tại, yếu kém về năng suất lao động thấp; chất lượng và khả năng cạnh tranh nhiều loại sản phẩm còn thấp. Một số lĩnh vực đã có công nghệ mới nhưng chậm hoặc ít được chuyển giao vào sản xuất hoặc khoa học và công nghệ chưa tác động rõ nét như lĩnh vực rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi, chè, dâu tằm,... Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Cùng với đó, việc đưa sản xuất đại trà, quy mô lớn còn nhiều khó khăn và chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư “đặc thù” để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo đó, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy hoạt động liên kết, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần tập trung đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch để góp phần nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất rau quả. Ngoài ra, cũng cần áp dụng nhiều hơn những mô hình tiên tiến trong nông nghiệp như hệ thống nhà màng, nhà lưới có cấu trúc đơn giản, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả canh tác cao

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung trọng tâm nhằm tìm ra giải pháp để có thể xác định được nhu cầu ứng dụng, đổi mới công nghệ và mô hình liên kết 5 nhà, hợp tác công tư hiệu quả theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Làm sao để lựa chọn được các công nghệ, mô hình ứng dụng KH&CN có chất lượng, hiệu quả, phù hợp cho vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt đối với cây trồng và rau màu trong quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi từ khâu chọn tạo giống, canh tác, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Các đại biểu đã đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy hoạt động liên kết, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, từ thực tế về nhu cầu hợp tác đầu tư, nhu cầu về một số công nghệ mới và mô hình ứng dụng công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, các chuyên gia tư vấn công nghệ đã tư vấn công nghệ và giải pháp công nghệ phù hợp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu.

Bài, ảnh: Nhóm PV