|
|||
Đến dự buổi làm việc, về phía Bộ KH&CN có đại diện Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN. Về phía UBND tỉnh Tuyên Quang có ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các Sở KH&CN, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch đầu tư; đại diện một số doanh nghiệp và UBND các huyện. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Tuyên Quang là một tỉnh có nhiều tiềm năng ứng dụng KH&CN trong đó nổi bật là một số sản phẩm nông nghiệp có thể trở thành sản phẩm chủ lực là cam. So với đa số sản phẩm nông nghiệp khác tại địa phương thì cây cam cho thu nhập khá hơn cả. Tỉnh Tuyên Quang nên tập trung đầu tư để tăng giá trị kinh tế trên một diện tích trồng cam. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ trao đổi với UBND tỉnh để triển khai các công việc cần thiết, sớm đưa cây cam trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Về hướng phát triển cây cam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ đã được xây dựng và đang trình Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho KH&CN địa phương phát triển. Các địa phương có điều kiện nghiên cứu những công nghệ thích hợp để chuyển giao phục vụ hoạt động KH&CN của tỉnh. Địa phương cần nghiên cứu các đề tài, dự án, đề xuất tham gia các chương trình của Bộ KH&CN cho phù hợp. Bộ KH&CN sẽ tư vấn, hỗ trợ cho Sở KH&CN Tuyên Quang trong từng lĩnh vực cụ thể để từng bước đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tại buổi làm việc, ông Trần Ngọc Thực , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội cũng như hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian qua. Ông Thực cho rằng, hoạt động KH&CN của tỉnh đã có một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung vẫn còn yếu. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư đẩy mạnh hoạt động KH&CN của địa phương. Tỉnh Tuyên Quang mong Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào đời sống, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp như bảo quản sau thu hoạch, chỉ dẫn địa lý, chuyển giao công nghệ chất lượng cao,... Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian qua, ông Đỗ Hồng Thanh, Giám đốc Sở KH&CN Tuyên Quang cho biết, từ năm 2015 đến nay, Bộ KH&CN đã phê duyệt cho tỉnh 4 dự án nông thôn miền núi. UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt triển khai thực hiện 51 đề tài/dự án, trong đó 07 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật; 20 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 19 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn;05 đề tài thuộc lĩnh vực y dược. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều kết quả của các đề tài khoa học xã hội đã cung cấp thông tin, luận cứ khoa học cho các cấp ủy đảng, chính quyền hoạch định, xây dựng các nghị quyết, chương trình,...góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và giữ gìn bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó công tác Sở hữu trí tuệ, Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng,…cũng được quan tâm đúng mức.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi làm việc Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư từ các nguồn khác (ngoài ngân sách nhà nước) cho KH&CN còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn ít. Thị trường KH&CN hình thành còn chậm, mối liên kết giữa bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) phạm vi còn hẹp; số lượng sáng chế được bảo hộ trong nước còn hạn chế. Cơ sở vật chất và trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học đã từng bước được đầu tư tăng cường, nhưng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ và sự say mê nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất còn chưa nhiều. Đa số các đại biểu tham dự buổi làm việc cho rằng, nhiều lĩnh vực KH&CN của tỉnh còn chưa phát triển, trong đó có công tác bảo quản sau thu hoạch, công tác chỉ dẫn địa lý còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nghiên cứu công nghiệp chế biến giữ được chất lượng sản phẩm- hướng sản xuất nông nghiệp sạch nhưng còn khó khăn nguồn vốn. Sự tham gia của doanh nghiệp vào các đề tài, dự án KH&CN chưa nhiều. Các ý kiến của đại biểu tỉnh Tuyên Quang đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ để sớm phát triển cây cam trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Tin, ảnh: Hoàng Anh
|