|
|||
Liên quan đến vấn đề thương mại hóa sáng chế, bà Hoàng Tố Như – Phó Trưởng phòng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đã có nhiều chia sẻ với PV: - Thưa bà, sáng chế và thương mại hóa sáng chế được hiểu như thế nào? Bà Hoàng Tố Như: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một số vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Chu trình tạo ra sáng chế bắt đầu từ việc hình thành ý tưởng đến nghiên cứu, thử nghiệm, hoàn thiện và đăng ký. Thương mại bao gồm tất cả các hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Bản chất của thương mại hóa đối với sáng chế là quá trình chuyển hóa từ kiến thức khoa học kỹ thuật dưới dạng hình thái tri thức sang sản xuất dưới dạng hình thái vật chất. - Như vậy, thời điểm nào thì thích hợp để thương mại hóa sáng chế, thưa bà? Bà Hoàng Tố Như: Không nhất thiết phải chờ có bằng sáng chế mới thương mại hóa mà quá trình thương mại hóa diễn ra ngay từ khi có ý tưởng (nếu nhà khoa học có một ý tưởng hay, có thể chào mời người khác tham gia, đầu tư vào để hoàn thiện). Các sáng chế cũng có thể thương mại hóa ở công đoạn thử nghiệm. Nếu giai đoạn này chưa thể đăng kí sáng chế thì khả năng rủi ro cao. Ví dụ như bị mất quyền hoặc xâm phạm quyền của người khác, do đó cần các biện pháp để phòng tránh rủi ro. Hoặc các nhà khoa học có thể thương mại hóa ngay sau khi đơn đăng ký sáng chế được công bố. Nhưng thời điểm thương mại hóa sáng chế an toàn nhất là ngay sau khi có văn bằng bảo hộ. - Bà có thể nói rõ hơn các hình thức khai thác thương mại sáng chế không? Bà Hoàng Tố Như: Có 3 hình thức khai thác thương mại sáng chế: Thứ nhất, chủ sở hữu tự mình khai thác thương mại đối với sáng chế. Thứ hai, chủ sở hữu chuyển giao sáng chế cho người khác khai thác (chuyển nhượng quyền sở hữu/quyền sử dụng). Thứ ba, chủ sở hữu thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng sáng chế. *Thực trạng hoạt động TMH đối với sáng chế, đặc biệt là ở TP.HCM như thế nào, thưa bà? Bà Hoàng Tố Như: Về thực trạng hệ thống văn bản pháp luật, nhà nước đã có các quy định tương đối đầy đủ về thương mại hóa đối với sáng chế, nhưng chưa cụ thể hóa và các quy định còn nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Ví dụ như bộ luật Dân sự, luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), luật Thương mại, Đầu tư… Mặc dù pháp luật về SHTT, Luật doanh nghiệp… đã có quy định khuyến khích chủ sơ hữu sáng chế thế chấp, góp vốn để kinh doanh nhưng các quy định pháp lý cụ thể nhằm khuyến khích việc thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng sáng chế vẫn còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể về cơ chế, phương pháp định giá sáng chế còn chưa đủ để điều chỉnh những phát sinh trong thực tế. Về thực trạng thương mại hóa ở TP.HCM, từ năm 2008 – 2016 có hơn 1.600 đơn sáng chế được đăng ký, có 251 văn bằng được cấp. Tuy nhiên, số sáng chế đã đăng ký được thương mại hóa thì không có con số thống kê chính xác. - Còn hoạt động thương mại hóa sáng chế ở các trường, viện và khối doanh nghiệp như thế nào, thưa bà? Bà Hoàng Tố Như: Về phía trường, viện... cũng đã có những kết quả thương mại tương đối khả quan, nhưng chỉ tập trung ở một số đơn vị như: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Nông lâm, ĐH Công nghiệp… và một số tổ chức khác thuộc khối ĐHQG TP.HCM. Ví dụ như năm 2012, số tiền thương mại hóa sáng chế mà ĐH Bách khoa TP.HCM thu được là 90 tỉ đồng. Còn ở khối doanh nghiệp, họ chủ yếu là tự khai thác sáng chế và hầu hết là sáng chế chưa đăng ký bảo hộ. Số lượng này rất lớn nhưng hiện chúng tôi chưa có con số thống kê chính xác. Hoạt động chuyển giao, thương mại của doanh nghiệp còn rất ít và chưa mang tính chủ động. - Theo bà, để thương mại hóa sáng chế đạt được nhiều kết quả tốt hơn, cần phải làm gì? Bà Hoàng Tố Như: Theo tôi, nên hết sức khuyến khích các chủ thể sáng chế đăng ký (trong nước và nước ngoài) để tránh rủi ro khi thương mại hóa. Tiếp nữa, là hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cụ thể hóa và tập trung để hỗ trợ cho chủ thể sáng chế có thể tìm kiếm thông tin nhanh nhất khi thương mại hóa. Quy định cụ thể đối với hình thức thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng sáng chế. Quy định cụ thể về việc định giá sáng chế để thuận lợi khi thương mại hóa. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình hợp tác đầu tư giữa nhà đầu tư – nhà sáng chế - doanh nghiệp (sản xuất, phân phối) để phát huy tối đa lợi thế của các nhân tố tạo ra giá trị thương mại của sáng chế. Xây dựng đội ngũ chuyên gia có đủ kinh nghiệm để tư vấn, hỗ trợ các chủ sáng chế khai thác thương mại. Mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức trung gian, các sàn giao dịch. Các đơn vị này không chỉ dừng lại ở việc kết nối, giới thiệu sáng chế mà cần đào sâu hơn nữa về gia trị thương mại của sáng chế để việc kết nối có hiệu quả cao hơn. - Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà! |