|
|||
Làm giàu bằng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp Đến thăm vùng rau Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương, huyện Hoà Vang), bạn sẽ thấy mãn nhãn trước những dãy rau xanh mướt, những giàn cây nặng trĩu quả. Hầu hết các vườn rau ở đây đều trồng theo phương thức sản xuất hiện đại với hệ thống nhà lưới, hệ thống phun tưới nhỏ giọt theo công nghệ nước ngoài. Vùng rau an toàn Phú Sơn Nam có diện tích hơn 15 ha, mỗi ha cho năng suất bình quân 30-50 tấn/vụ, doanh thu 480 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 200-250 triệu đồng. Tại đây, có 3 doanh nghiệp bỏ vốn hàng tỷ đồng đầu tư hệ thống sản xuất, đóng gói hiện đại để đưa đi tiêu thụ trong và ngoài Thành phố. Anh Nguyễn Hữu Thịnh (Cơ sở sản xuất rau an toàn Tâm An), chủ vựa rau 3 ha cho biết: “Xác định khoa học kỹ thuật là điểm mấu chốt để đưa mình đi con đường dài, nên ngay từ đầu, tôi đã đầu tư hệ thống máy móc, kỹ thuật vào dự án khởi nghiệp”. Anh Thịnh đầu tư máy xới, máy lên luống, hệ thống phun tưới nhỏ giọt… “Một máy lên luống bằng 20 công so với truyền thống. Một hệ thống phun tưới tự động, gồm cả tưới nước và tưới phân bằng 100 công/ha. Như vậy, mặc dù đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng tính về lâu dài thì lợi hơn nhiều khi tiết kiệm được nhiều khoản như chi phí nhân công, nước. Mặt khác, lượng phân, nước được tính toán, điều chỉnh phù hợp, chính xác, nên năng suất cây trồng cao hơn hẳn”, anh Thịnh phân tích. Cũng tại vùng đất Hòa Khương, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Khương) là một trong những người tiên phong đưa hệ thống lạnh công nghiệp khép kín, giống heo chất lượng cao nhập từ Mỹ về áp dụng vào chăn nuôi tại Đà Nẵng và mang lại lợi nhuận rõ rệt. Tại chuồng trại của anh, nhiệt độ luôn được giữ ở mức ổn định từ 19-29 độ C do một hệ thống nước làm mát toả hơi liên tục, nhờ đó, sức khỏe của heo nái giống được bảo đảm, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Những con heo nái giống được Công ty Hòa Khương nhập của Tập đoàn PIC (Mỹ) chuyên cung cấp giống heo cho hơn 30 quốc gia, mỗi con có kích thước gần 2 m với trọng lượng 3-4 tạ. Còn heo con, sau thời gian cai sữa, chăm sóc và nuôi khoảng 5 tháng đều đạt trọng lượng bình quân 100-120 kg/con, xuất bán thịt với giá 45.000-47.000 đồng/kg. Tính ra một năm anh Tuấn thu gần 2,3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí nhân công, điện, khấu hao thì lợi nhuận hằng năm đạt hơn 250 triệu đồng. Còn tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, đầu năm 2016, vùng trồng hoa ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 800 triệu đồng được đưa vào sản xuất thử nghiệm, doanh thu dự kiến khoảng 600 triệu đồng/năm. Đây là mô hình trồng hoa chuyên canh sản xuất hoa quanh năm tương tự các vùng trồng hoa thương phẩm ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nuôi heo trong hệ thống lạnh khép kín thu lợi hàng trăm triệu một năm. Ảnh: VGP/Minh Trang Mở rộng nông nghiệp công nghệ cao Với những nỗ lực trong mở rộng ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp Đà Nẵng, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang, đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đối với sản xuất rau, năm 2012, trên cơ sở dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”, Sở NN& PTNT Đà Nẵng đã đầu tư, xây dựng tại huyện Hòa Vang 4 vùng sản xuất rau chuyên canh là vùng rau an toàn Túy Loan, Thạch Nham Tây, Cẩm Nê-Yến Nê và Phú Sơn Nam với tổng diện tích 66,7 ha; cơ sở hạ tầng đầu tư quy mô, bài bản, sản xuất chủ yếu trong nhà lưới, sử dụng màng phủ nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, hạt giống lai F1, thuốc trừ sâu sinh học… Nhờ đó các vùng sản xuất được chứng nhận sản xuất theo VietGAP. Năm 2015, Sở hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất rau ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích 1,5 ha tại vùng rau Phú Sơn 3, xã Hòa Khương. Hiện nay năng suất và sản lượng rau được cải thiện hơn so với phương thức sản xuất trước đây. Trong sản xuất hoa, cùng với việc nhập một số giống cây từ nơi khác để đưa vào sản xuất như hoa ly, cúc pha lê, hoa lan, chuối, nấm, lúa… hệ thống tưới phun sương trong điều kiện nhà lưới hở cũng đã được ứng dụng tại một số mô hình như: Mô hình hoa lan cắt cành tại vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu), vùng hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước) và 4 mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Hòa Tiến... đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo ra sự đột biến, thúc đẩy nghề trồng hoa toàn huyện. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới bước đầu đã được ứng dụng trong sản xuất như công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học (biogas)… Xác định năm 2017 là năm nông nghiệp với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, huyện Hòa Vang đã xây dựng “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ đô thị”. Theo đó, huyện đặt mục tiêu phấn đấu hằng năm có từ 10-20% diện tích sản xuất chuyên canh được ứng dụng công nghệ cao, có từ 2-3 nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa được xây dựng mỗi năm. Hiện Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cũng đã cùng với UBND huyện Hòa Vang triển khai quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tại huyện. Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực mới này, trong thời gian tới, huyện Hòa Vang sẽ xây dựng các cơ sở dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cơ sở pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi. Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cho biết, hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong năm 2016, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ, phòng trừ bệnh trên nấm, trồng và chăm sóc hoa ly; thực hiện các dự án sản xuất giống và thương phẩm nấm sò, nấm linh chi, cúc 9999; duy trì triển khai các dự án nông thôn miền núi. Sang năm nay, chú trọng vào công tác phối hợp với huyện Hoà Vang triển khai các mô hình định hướng công nghệ cao, Trung tâm tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm ăn và nấm dược liệu, ươm giống rau củ quả cung cấp cho các HTX, hộ dân khi có nhu cầu; chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng các loại hoa… nhằm chuyển giao các mô hình công nghệ mới và tích cực chuyển biến nhận thức của người nông dân sản xuất theo hướng hiện đại. Dưới góc độ là doanh nghiệp, anh Nguyễn Duy Tuấn cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn vay và đất sản xuất. Vì vậy, chính quyền Thành phố cần có những “cú hích”, cơ chế hợp lý và kịp thời tạo điều kiện cho đồng vốn của các chương trình ưu đãi đến tay nông dân để họ có cơ hội tiếp cận phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đem lại thu nhập cho bản thân, góp phần làm giàu cho quê hương.
|