|
|||
Hiệu quả lớn từ sản xuất công nghệ cao Đến trang trại trồng rau áp dụng CNC của anh Mai Văn Khẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến dưới chân núi Hòn Bồ, thuộc phường 12, thành phố Đà Lạt, chúng tôi ngỡ ngàng bởi cả một vùng rộng lớn trên sườn đồi và dưới thung lũng là những dãy nhà kính san sát, trải rộng hàng trăm héc-ta. Các mô hình trồng rau áp dụng CNC vào sản xuất ở Đà Lạt chủ yếu là hệ thống nhà kính, nhà lưới, màng phủ và tưới nhỏ giọt cùng chế độ chăm sóc được ghi nhật ký: Ngày xuống giống, bón phân, phun thuốc, ngày thu hoạch. Những nông dân trồng rau ở Đà Lạt hiện nay áp dụng 3 công nghệ sản xuất, gồm: Địa canh, bán thủy canh và thủy canh. Mô hình sản xuất của anh Khẩn trồng rau trong nhà kính áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của I-xra-en. Anh Khẩn tâm sự: "Tôi làm nghề đã hơn 20 năm, hiện các trang trại đều ứng dụng CNC vào sản xuất, giống được nhập khẩu từ Hà Lan, Mỹ, I-xra-en. Chúng tôi chủ yếu trồng cà chua vàng, đen; sô-cô-la; su hào tím, xà lách tím. Một năm, mỗi héc-ta cà chua thu được khoảng 200 tấn, lợi nhuận đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng". Hiện nay, HTX của anh Khẩn có 20 thành viên, gồm những người tâm huyết cùng chung chí hướng liên kết với 46 hộ nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với tổng diện tích 120ha. HTX của anh giúp các hộ trồng rau về kỹ thuật chăm sóc, phân bón, giống và bao tiêu sản phẩm. Năm nay, sản lượng rau mà HTX của anh Khẩn cung cấp cho thị trường ước đạt 1.500 tấn, doanh thu hơn 20 tỷ đồng. Các sản phẩm của HTX là sản phẩm sạch, chủ yếu cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thức ăn nhanh ở các thành phố lớn trong cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội… Trang trại của anh Tô Quang Dũng ở phường 8, thành phố Đà Lạt áp dụng cùng lúc 3 công nghệ canh tác rau xuất khẩu, gồm: Địa canh, bán thủy canh và thủy canh, mang về lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm. Đến nay, trang trại của anh đã có 4ha nhà kính áp dụng CNC vào sản xuất rau, quả, củ. Anh Dũng chia sẻ: Áp dụng CNC vào sản xuất thì năng suất tăng từ 2-3 lần. Một héc-ta đất nếu canh tác rau xà lách theo truyền thống chỉ được 6-7 vụ/năm, còn thủy canh đạt tới 11 vụ/năm. Sản lượng rau trồng theo truyền thống đạt 1,5 tấn/1.000m2thì thủy canh đạt 3-4 tấn/1.000m2; giá bán của rau trồng thủy canh cũng gấp 3-4 lần so với rau sản xuất truyền thống. Đặc biệt, rau trồng bằng phương pháp thủy canh tươi lâu hơn, vận chuyển đi xa hơn. Mỗi ngày, nông trại của anh cung cấp cho các siêu thị và chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội… khoảng 250-300kg rau thủy canh. Giải quyết nỗi lo "được mùa mất giá" Những chủ trang trại đi tiên phong trong áp dụng công nghệ mới mà chúng tôi gặp đều có chung suy nghĩ: Người nông dân có thể làm giàu nếu biết áp dụng CNC vào sản xuất. Sản xuất rau ứng dụng CNC đòi hỏi mức đầu tư cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống, 1ha nhà kính phải cần từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, còn thủy canh đầu tư khoảng 7 tỷ đồng/ha nên nhu cầu về vốn lớn. Mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất rau sạch ở Lâm Đồng là hướng đi mới, không chỉ nâng cao chất lượng, sản lượng mà còn góp phần hạn chế được rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, những rủi ro về giá cả đầu ra đang là nỗi lo lắng, trăn trở của người nông dân. Do vậy, khi triển khai nhân rộng mô hình này, việc quy hoạch, tổ chức sản xuất phải gắn với tìm kiếm thị trường. Người trồng rau ở Lâm Đồng mong muốn các bộ, ngành, địa phương cần có chính sách hỗ trợ, làm "bà đỡ" cho nông dân để bảo đảm sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, có điều kiện để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tránh rơi vào tình trạng "được mùa mất giá".
|