|
|||
Lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp sạch Được biết, Hòa Bình là một tỉnh có lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp sạch, ông có thể cho biết trong thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả nào trong lĩnh vực này? Ông Đỗ Hải Hồ: Đến thời điểm này, Hòa Bình đã xây dựng được 8 sản phẩm mang thương hiệu đặc sản của Hòa Bình. Nổi bật nhất là cam Cao Phong. Năm 2014, Hòa Bình được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong. Sau khi được cấp giấy chứng nhận thì giá trị kinh tế của cam Cao Phong được nâng lên rõ rệt. Trước đây, khi chưa có chỉ dẫn địa lý thì cam Cao Phong cao nhất chỉ đạt giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, nhưng từ khi có chỉ dẫn địa lý, cam Cao Phong đã đạt con số từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, thậm chí thời điểm tết đến 50.000/kg. Với việc mở rộng canh tác và ứng dụng KH&CN vào sản xuất, rất nhiều người dân trồng cam Cao Phong đã trở thành tỷ phú, nhiều nhà mua được ô tô. Có thể nói, trên cơ sở giá trị kinh tế sản phẩm mang lại, Hòa Bình đã điều chỉnh được quy hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ dành 5085 ha cho trồng cam và cây có múi. Bên cạnh cây cam chúng tôi đang triển khai trồng cây bưởi đỏ Hòa Bình. Bưởi đỏ Hòa bình cũng có giá trị kinh tế cao và trong tương lai chúng tôi cũng mong muốn xây dựng được thương hiệu cho loại cây này. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm ngành dược liệu của Hòa Bình dựa trên tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng cũng như sự cần cù của bà con Hòa Bình. Trong các loại cây dược liệu chúng tôi sẽ quan tâm đặc biệt đến phát triển cây nấm Linh Chi. Đối với cây nấm Linh Chi chúng tôi không chỉ chế biến thô mà còn chế biến tinh thành các viên nang để chữa bệnh hoặc đóng gói trà bán ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, công nghệ trồng nấm Linh Chi đã áp dụng được công nghệ, tận dụng các phế phẩm bỏ đi để trồng nấm như cây keo. Trước đây, cây keo chỉ làm củi đun nhưng hiện nay đã dùng làm giá thể trồng nấm Linh Chi. Với đặc điểm là tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp lại có vị địa lý giáp Hà Nội, giao thông thuận lợi nên chúng tôi cũng chú trọng phát triển rau sạch. Tôi mong muốn Hòa Bình sẽ trở thành “bếp ăn” của người dân Hà Nội, trước hết là rau sạch.
Mô hình Nấm Linh Chi tại trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Hòa Bình (ảnh: Võ Hương) Để triển khai mục tiêu này, thời gian qua, tại huyện Lương Sơn, chúng tôi đã triển khai những đề tài hỗ trợ bà con nông dân trồng rau sạch, canh tác theo nguyên tắc không sử dụng các chất hóa học. Hiện nay, đã có nhiều rau sạch cung cấp cho nhiều siêu thị Hà Nội với giá cả phải chăng. Với bước mở đầu đầy hứa hẹn này kinh tế bà con nông dân cũng đã bắt đầu phát triển. Tới đây, Hòa Bình cũng sẽ mở rộng hơn nữa diện tích rau sạch tại huyện Lương Sơn để có nhiều mặt hàng phong phú về rau cung cấp cho người dân Thủ đô. Hướng KH&CN lấy DN làm đối tượng nghiên cứu PV: Bên cạnh những kết quả đạt được thì Hòa Bình còn những hạn chế nào cần khắc phục để phát triển KH&CN toàn tỉnh nói chung và nông nghiệp nói riêng, thưa ông? Ông Đỗ Hải Hồ: Theo tôi, hoạt động KH&CN Hòa Bình tuy đã đạt một số kết quả tốt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong tời gian tới. Thứ nhất có thể kể đến là nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh còn thiếu và không đồng đều, chưa có nhiều chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực hoạt động KH&CN. Việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ ( nay là Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ) quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn chậm và gặp nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ còn hạn chế. tỷ lệ chi cho KH&CN còn thấp. Công tác tham mưu, đề xuất các chính sách của các cấp, ngành nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ hoạt động KH&CN vào kế hoạch hoạt động hàng năm còn chưa đầy đủ, kịp thời dẫn đến quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế. Tỉnh Hòa Bình cũng chưa có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút doanh nghiệp tham gia các đề tài, dự án KH&CN nói chung vànông nghiệp nói riêng. PV: Để Hòa Bình trở thành “bếp ăn” của người dân Thủ đô Hà Nội như mong muốn của ông thì cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông? Ông Đỗ Hải Hồ: Xác định Hòa Bình có lợi thế phát triển sản phẩm nông nghiệp nên trong giai đoạn tới Hòa Bình sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phat triển nông nghiệp sạch. Phát triển theo hướng KH&CN lấy doanh nghiệp là đối tượng nghiên cứu. Coi doanh nghiệp là trọng tâm ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, cải tiến sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển khoa học và công nghệ chủ yếu. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống nông thôn. Tỉnh Hòa Bình cũng thực hiện đề án thay thế giống Mía tím; xây dựng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Hòa Bình” cho sản phẩm Bưởi đỏ của tỉnh Hòa Bình. Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sông Đà - Hòa Bình” cho sản phẩm cá, tôm hồ thủy điện Hòa Bình và một số sản phẩm nông sản khác. Lưu trữ các nguồn gen của tỉnh như Giổi ăn hạt tại huyện Lạc Sơn; Quýt Nam Sơn Tân lạc; Lúa nếp cẩm Kim Bôi; Ngô nếp Mai Châu;… Hoàng Anh (Thực hiện) |