Bản in
Ninh Bình thực hiện nuôi cấy thành công ngọc trai nước ngọt
Sau hơn 20 năm lăn lộn, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo nhà khoa học Đinh Văn Việt đã nghiên cứu và và ứng dụng thành công 03 kỹ thuật cấy ghép trên 02 đối tượng trai nước ngọt: Loài trai đen cánh dầy (Hyrio psiscumingii lea) và Loài trai xanh cánh mỏng (Cristaria bialata lea).

Theo đó, các kĩ thuật chính bao gồm: Kỹ thuật cấy ghép nhân và mô tế bào tại khu vực màng áo ngoài trên loài trai nước ngọt, cấy 04 viên nhân/con, cấy lật hai mặt; Kỹ thuật cấy ghép mô tế bào vào khu vực màng áo ngoài trên loài trai nước ngọt, cấy 40 tế bào/con, cấy lật hai mặt; Kỹ thuật cấy gắn vỏ bằng phôi nhân hình tượng theo các chủ đề. trên loài trai nước ngọt, cấy 04 viên/con cấy lật hai mặt.

Ninh Bình là một tỉnh có nhiều loài trai nước ngọt sinh sống, phân bổ tập trung ở các khu vực sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc và một số địa phương như Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan, Gia Viễn… Ngoài ra với tiềm năng 22,436 ha diện tích đất mặt nước  (ao hồ, ruộng trũng, thùng đào) đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Bình phát triển nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc kết hợp nuôi các loại thủy, đặc sản khác. 

Ông Đinh Văn Việt chia sẻ về đặc điểm sinh học và quy trình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc: Ngọc trai được hình thành bên trong thân thể của loài nhuyễn thể (lớp 2 mảnh vỏ). Đây là phản xạ tự nhiên để tự chữa lành vết thương. Chúng tiết ra chất bao bọc lấy dị vật bằng các lớp cacbonat canxi (CaCO3) dưới dạng chất khoáng aragonit và canxi, được dính kết với nhau bởi một chất hữu cơ giống như sừng gọi là conchiolin. Sự kết hợp giữa cacbonat canxi và conchiolin được gọi là xà cừ. Qúa trình tạo ra lớp xà cừ bao bọc lặp đi, lặp lại nhiều năm và tạo ra viên ngọc. Khi có một tác nhân kích thích điển hình, thường là các chất hữu cơ, ký sinh trùng, hoặc thậm chí những tổn hại làm chuyển chỗ lớp màng áo sang phần khác của con vật.

Ông Đinh Văn Việt đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình mong muốn ứng dụng nghiên cứu - trước mắt đối với tỉnh Ninh Bình, biến ngành nuôi cấy trai ngọc là ngành có lợi nhuận lớn nhất trong toàn bộ ngành nuôi trồng thủy sản. Những định hướng dài hạn cho nghề nuôi cấy trai ngọc ở Ninh Bình trong thời gian tiếp theo đã được triển khai và tiếp tục hoàn thiện.

Sau khi quy trình kỹ thuật hoàn thiện, Ông Đinh Văn Việt sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho người dân. Phương thức chuyển giao chính là tham quan mô hình, chuyển giao kỹ thuật. Hình thức chuyển giao là đào tạo tập huấn cầm tay chỉ việc trong nuôi cấy ngọc. Xây dựng một mô hình hợp tác khép kín, doanh nghiệp cung cấp nhân cấy, dụng cụ liên quan đến quá trình sản xuất còn người dân đảm bảo về ao, hồ và trai cấy.

Trong thời gian tới, sản phẩm ngọc trai được đưa ra thị trường thông qua các hội chợ, truyền thông đại chúng, kết hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Ninh Bình để tạo ra một đặc trưng về du lịch ở Ninh Bình. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang hướng đến một kế hoạch sản xuất ngọc trai thuần Việt, do ở thời điểm hiện tại nhân cấy vẫn đang phải nhập với giá khá cao. Xu hướng là thị trường trong nước là nơi chủ yếu để tiêu thụ sản phẩm, đối với những sản phẩm đắt tiền hơn sẽ được xuất khẩu đi nước ngoài Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc …

Tin, ảnh: Ánh Tuyết