|
|||
Theo ông Vương Hữu Nhi, Phó giám đốc Sở KHCN tỉnh Đắk Lắk, riêng tỉnh này, diện tích bơ đã trồng thuần và trồng xen quy thuần tới tháng 6/2016 ước trên 20.000 ha. Trong đó hơn 8.000 ha bơ trên 5 năm tuổi đã cho thu hoạch. Mỗi ha trồng được 300 cây bơ, tính bình quân mỗi cây cho 1 tạ quả, sản lượng bơ năm 2016 của Đắk Lắk đã lên tới 300.000 tấn. Viện duy nhất nghiên cứu về bơ Được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ nghiên cứu về bơ, hơn 2 thập kỷ qua Viện nghiên cứu Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (tên viết tắt là Wasi) đã đạt nhiều thành công đáng kể. Wasi đã giúp tỉnh Đắk Lắk- nơi Wasi đứng chân, chọn các giống bơ mới, xác lập cây đầu dòng, nhập những giống bơ thương mại của Mỹ, Úc về xây dựng tập đoàn giống, hướng dẫn cách bảo quản bơ tươi được hàng tháng sau thu hoạch. Từ 2011-2015 Bộ NN&PTNT giao Wasi nghiên cứu tạo thêm nhiều giống bơ đạt chuẩn chất lượng thế giới cho các tỉnh Tây Nguyên và Đồng Nai. Riêng bộ sưu tập của Wasi hiện có 83 giống bơ, gồm 43 giống thương mại nhập về từ 4 nước Mexico, Mỹ, Úc, Cu Ba; và 40 giống bơ nội. Wasi đã bảo vệ thành công 4 giống bơ đạt chuẩn quốc gia, chất lượng vượt trội, được phép nhân giống rộng rãi, là TA 1, TA 40, Booth7 và Reed, phù hợp với những vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Đặc điểm chung của 4 giống bơ này là độ béo cao, thịt quả mịn, hạt không lắc, trái nhỏ vừa cỡ 3-4 lạng/quả, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới. Trong khi mục tiêu của ngành bơ thế giới là nâng năng suất lên 30 tấn/ha, thì nhiều vườn bơ Booth7 trên Tây Nguyên đã vượt xa ngưỡng này! Một trong những nguồn thu dự kiến đáng kể của đại gia Đoàn Nguyên Đức, là những trang trại bơ Booth7 mênh mông sẽ cho thu hoạch trong vài năm tới. Vì riêng từ Wasi, ông Đức đã đặt mua tới vài trăm nghìn cây giống. Bơ không hạt có thể lột vỏ ăn ngay. Nông dân rộng cửa trổ tài Các vườn bơ ngon có tiếng trên khắp Tây Nguyên thường được thương lái săn lùng, đặt mua tận gốc, chuyển lên xe hoặc máy bay ra khỏi tỉnh, không đủ cung ứng cho thị trường nội địa. Từ đầu năm 2016, chủ một đại lý trái cây ở tận tỉnh Thanh Hóa đã nhanh tay ký hợp đồng xin được mua gom trọn năm toàn bộ bơ quả có dán tem bảo đảm chất lượng “BXM”, tức Bơ Xuân Mười, quả lớn, vỏ xanh bóng, bình quân mỗi trái nặng 7-8 lạng ở ngoại thành Buôn Ma Thuột. Chủ các trang trại bơ Thùy Vân ở huyện Đắk Mil tỉnh Đắk Nông, và trang trại bơ Tiến Đạt ở Di Linh- Lâm Đồng đã thân chinh sang tận Mỹ, Úc để đem giống bơ Hass Kim cương vỏ sần, da chín ngả sang màu đen, là loại bơ quả đắt nhất thế giới về trồng thành công trên đất Tây Nguyên, đến nay mới đủ để tặng bạn, biếu sếp. Trong khi loại bơ này nhập từ Mỹ, đóng hộp 2-3 trái trên các kệ trái cây sang chảnh ở TP Hồ Chí Minh, giá tùy mùa từ 200 đến hơn 300 nghìn đồng một ký. Nhiều bạn trẻ vừa làm quen với nghề mua bán bơ qua Facebook, Zalo gần đây đã khám phá không ít nhà vườn có những giống bơ mới lạ: bơ “khủng” tới 1,2 ký/ quả, bơ thông thường thịt quả màu ngà đến xanh, bây giờ lại có bơ ruột vàng, ruột đỏ, bơ hình quả lê, bơ cong như lưỡi liềm. Rồi bơ không hạt dài như quả dưa, có giống to bằng cái cán dao, cũng có giống quả ti tí chỉ nhỉnh hơn ngón tay chút xíu, có thể lột vỏ cầm cắn từng miếng béo mềm, ngọt nhẹ như ... ăn chuối. Bơ Hass kim cương vỏ sần trong trang trại bơ Thùy Vân ở huyện Đắk Minh, tỉnh Đắk Nông. Trong khi các giống bơ ngộ nghĩnh chủ yếu đáp ứng thú chơi quả lạ của người tiêu dùng, thì giống bơ mang tên Booth7 quả tròn như trái cam, vỏ dày, mấy năm trước đây ít ai để ý, bây giờ ngày càng cao giá, vì dân sành ăn đã nhận ra bơ này tuyệt hảo, và chính cái lớp vỏ dày lâu chín lại là điều kiện bảo quản trái bơ tự nhiên được khá lâu. Thịt dày, cơm chắc, độ béo cao, ngoài cách xay nhuyễn với đường sữa làm món tráng miệng, bơ Booth7 còn tiện chế biến thành nhiều món hấp dẫn khác như salat bơ, kem bơ, thạch bơ, bơ nướng trứng, bơ chiên giòn v.v... Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Mgar (Đắk Lắk), trồng được 400 cây Booth7 ngoài rẫy rộng gần 3 ha, cách nhà hơn 5 cây số. Mùa hoa năm 2015, thương lái vào tận vườn nhìn hoa trả giá đổ đồng 60.000đồng/ký, rồi nhận trách nhiệm trông giữ vườn bơ luôn cho tới khi thu hái từ đầu tháng 9, tới giữa tháng 10 mới xong, được 20 tấn, cân tới đâu trả tiền tới đó, đưa ông Mười đủ 1,2 tỷ đồng. Một đại gia bơ khác là ông Nguyễn Hơn, nguyên Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đạt Hiếu, ở thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk. Đại gia đình ông đã mua 3.000 bầu cây giống chuẩn của Wasi, trồng 10 ha, chăm sóc đơn giản, chi phí ít, mà năm ngoái thu mùa đầu được hơn 30 tấn. Thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng vào mua hết, tổng thu được gần 3 tỷ đồng. Ông nói: “Năm nay bơ mất mùa vì trận mưa đá hồi tháng 2, nhưng vườn nào bơ trổ hoa muộn thì sai trái, có cây cho tới 4-5 tạ quả”. Rào cản vô hình Bà Phạm Thị Thanh Trinh, Giám đốc điều hành liên minh Dakado, đại diện Cty Thu Nhơn cho biết, năm 2015 Cty đã trình lên các cấp ngành liên quan dự án, nhà máy sản xuất tinh dầu quả Bơ DAKADO vốn đầu tư 1 triệu USD. Dự kiến mỗi năm Nhà máy sẽ tiêu thụ 10.000 tấn bơ để sản xuất tinh dầu bơ và tiêu thụ cho thị trường bơ trái, tạo thu nhập ổn định cho 1.000 hộ liên kết. Lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ, ngân hàng đã đồng ý cho vay vốn, Hội đồng Chính sách KHCN Quốc gia họp ngày 19/8 tại Đắk Lắk cũng đánh giá cao dự án, nhưng Cty cố gắng tiếp cận mãi vẫn chưa được nhà chức trách tạo điều kiện về vị trí đất đặt nhà máy cho phù hợp, nên tới nay dự án vẫn chưa thể triển khai.
|