|
|||
Từ nay đến năm 2020, dân số Hà Nội vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng"; tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp hai lần tỷ trọng dân số phụ thuộc. Tuy nhiên, cũng từ năm 2015, Hà Nội thực sự bước vào quá trình già hóa dân số với 10,6% dân số từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ này tăng lên 12,7% vào năm 2020. Nói cách khác, vào năm 2020 cứ 100 người Hà Nội có 13 người trong độ tuổi từ 60 trở lên. Làm thế nào để tận dụng cơ cấu dân số "vàng" tạo cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội? Nghiên cứu của các chuyên gia dân số trên thế giới cho thấy, các xu hướng dân số nếu được xử lý tốt có thể tăng cường sự phát triển bền vững; nếu xử lý không tốt chúng sẽ hạn chế đáng kể các khả năng phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", các cấp chính quyền và ngành chức năng thành phố cần có những chính sách phù hợp về kinh tế - xã hội như đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương (người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật,...), tạo việc làm và phát triển kỹ năng, bảo đảm bình đẳng giới. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm nâng cao chất lượng dân số qua những chương trình sàng lọc trước khi sinh, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc khiếm thính, sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Tỷ lệ bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được sàng lọc hàng năm ngày càng nâng cao. Bên cạnh kết quả đạt được, dân số thành phố đang đứng trước những thách thức, đó là cơ cấu dân số thay đổi theo hướng tỷ lệ người cao tuổi tiếp tục gia tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi giảm dần. Cùng với đó, cơ cấu giới tính với tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) đang ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước và trong mức báo động (114 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015). Năm 2016, Hà Nội tiếp tục thực hiện một số chương trình về tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2016 - 2020 để nâng cao chất lượng dân số. Theo Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội Tạ Quang Huy, nước ta đã có những đầu mối thực hiện chăm sóc người cao tuổi và tại Hà Nội cũng đã có nhiều hoạt động về công tác này, với 15-20 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Tuy vậy, người cao tuổi cần được chăm sóc chu đáo hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cơ cấu dân số "vàng" thực sự là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố. Đây còn là cơ hội để tích lũy nguồn lực, tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Nhưng bên cạnh việc tận dụng cơ hội, Hà Nội cũng cần chủ động đối phó với nguy cơ dân số "vàng" trở thành dân số già, giải quyết các áp lực của thời kỳ dân số "vàng", trước tiên là giải quyết việc làm cho người lao động, đào tạo lao động trình độ cao… để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô./. |