Bản in
Xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý môi trường nuôi thủy sản ĐBSCL
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp xử lý suy thoái môi trường nước nhằm sử dụng bền vững tài nguyên cho các vùng nuôi tôm các tỉnh ven biển bắc bộ và vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL”, do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn và các cộng sự ở Viện Môi trường Nông nghiệp, Bộ NN&PT Nông thôn làm chủ nhiệm đã xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý môi trường nuôi thủy sản vùng ĐBSCL

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, đề tài hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường nước tại các vùng nuôi tôm ở ven biển  Bắc Bộ và cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ trong việc cấp nước, tiêu thoát và xử lý nước thải vùng nuôi tôm ở ven biển Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long bền vững và hiệu quả. 

Theo đó, đề tài tập trung một số nội dung chính như nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng phát triển vùng nuôi tôm ven biển Bắc bộ và vùng nuôi cá tra đồng bằng sông Cửu Long theo công nghệ nuôi tuần hoàn nước. Đánh giá khả năng cấp, thoát và tính cân bằng nước cho khu vực nuôi tôm vùng ven biển Bắc bộ và vùng nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long theo công nghệ nuôi tuần hoàn nước. 

Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp quản lý nhằm phát triển bền vững nuôi tôm ven biển Bắc Bộ và nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng  01 mô hình quy mô 0,5 ha áp dụng giải pháp khoa học xử lý nước thải và nuôi tôm theo công nghệ tuần hoàn nước vùng ven biển Bắc Bộ; 01 mô hình  quy mô 0,5 ha nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và tập huấn kỹ thuật nuôi tôm vùng ven biển Bắc Bộ và nuôi cá tra ĐBSCL theo công nghệ tuần hoàn nước . 

Cũng theo  PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, từ năm tháng 05/2013 đến tháng 10/2015, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các nội dung và sản phẩm chủ yếu. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá  đầy đủ, chi tiết về hiện trạng thủy lợi phục vụ nuôi tôm vùng ven biển Bắc Bộ và vùng nuôi cá tra ĐBSCL; tính toán chính xác cân bằng nước cho các khu vực nuôi trồng thuỷ sản quy mô cấp huyện thuộc vùng ven biển Bắc Bộ và vùng nuôi cá tra vùng ĐBSCL; đã xây dựng được 04 bộ hồ sơ thiết kế sơ bộ hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm ven biển Bắc bộ và nuôi cá tra vùng ĐBSCL.

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ công nghệ nuôi tuần hoàn nước, cho  vùng ven biển Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất được giải pháp quản lý về cơ chế chính sách, công nghệ để quản lý  phù hợp nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở hai vùng nghiên cứu và  xây dựng được 1 mô hình nuôi tôm và 1 mô hình nuôi cá tra theo công nghệ tuần hoàn ít thay nước .

Sản phẩm của đề tài được làm hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận.

Đề tài vừa được nghiệm thu cấp nhà nước ngày 26/3 tại Hà Nội, xếp loại Khá.

 

Tin, ảnh: Hoàng Anh