|
|||
Khai thác tiềm năng tại chỗ Theo con số khảo sát của Chi cục kiểm lâm Hà Giang báo cáo, tháng 01/2015, diện tích diện tích tự nhiên là 791.488,9 ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 566.545,2 ha chiếm 71,6 % diện tích của tỉnh. Với trên 70% người dân sinh sống trên đất rừng và có rừng thì việc đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách của các cấp chính quyền nhân dân tỉnh Hà Giang. Do vậy sản xuất lâm nghiệp có vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Trong thời gian qua, Hà Giang đã có nhiều biện pháp trong triển khai chính sách giao đất, giao rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nên việc trồng rừng đã từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân và nghề rừng đã từng bước xã hội hóa. Việc trồng rừng kinh tế đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều hình thức. Tính từ năm 2005, tỉnh Hà Giang đã thu hút được trên 20 doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng sản xuất với diện tích khoảng 1.270 ha. Tính đến 31/12/2014 diện tích rừng trồng của tỉnh Hà Giang là 80.730,9 ha trong đó rừng sản xuất là 55.120,3 ha. Do đẩy mạnh công tác trồng rừng nên năm 2012, sản lượng gỗ Keo từ rừng trồng trên toàn tỉnh Hà Giang đến tuổi khai thác ước đạt 1.101.306 m3 gỗ tròn. Tuy nhiên gỗ sau khi khai thác chủ yếu được sử dụng ở dạng thô, các cơ sở thu mua gỗ làm nguyên liệu băm dăm gỗ, một phần không lớn làm nguyên liệu gỗ bóc. Lượng gỗ sử dụng làm gỗ xẻ đóng đồ mộc hầu như chưa phát triển. Sản phẩm gỗ xẻ chủ yếu sử dụng làm cốp pha xây dựng hoặc làm nguyên liệu đóng các sản phẩm mộc dân dụng chất lượng thấp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Thực trạng sử dụng nguyên liệu nêu trên chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nguyên liệu của tỉnh trong tương lai, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng và giải quyết nhu cầu gỗ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất. Đối với mỗi hộ gia đình nông thôn miền núi, thu nhập từ lâm nghiệp vẫn là nguồn thu chủ yếu. Với mong muốn nâng cao thu nhập cho người dân trồng rừng từ việc đảm bảo ổn định đầu ra và tăng giá thu mua nguyên liệu đáp ứng yêu cầu thực tế, năm 2012 Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần đã đầu tư xây dựng Nhà máy sơ chế gỗ Hùng Thắng. Tuy nhiên, với quy mô nhà máy chưa lớn nên mức thu mua gỗ, chế biến chưa cao, chưa khai thác đúng tiềm năng. Năm 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt cho công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần chủ trì thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sấy gỗ tại tỉnh Hà Giang. Dự án hỗ trợ xây dựng 3 lò sấy gỗ giám sát tự động công suất 3 lò. Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng là đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ. Dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, giai đoạn 2011 – 2015. Dự án được triển khai nhằm hỗ trợ cho nhà máy nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho quá trình sản xuất gỗ xẻ, sử dụng hiệu quả gỗ rừng trồng và thu hút lao động địa phương huyện Bắc Quang, Hà Giang. Dự án được triển khai với mục tiêu xây dựng được hệ thống lò sấy gỗ với công nghệ và thiết bị tiên tiến, quy mô 3 x 30 m3 = 90 m3/mẻ có chế độ sấy được điều khiển, giám sát tự động nhằm nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyễn gỗ ở địa phương và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Qua việc triển khai dự án cũng sẽ đào tạo tập huấn để cơ sở tiếp nhận có thể chủ động vận hành lò sấy gỗ. Cơ sở nhận chuyển giao - Công ty cổ phần phát triển Xín Mần làm chủ được công nghệ chuyển giao. Tạo việc làm, tăng thu nhập Anh Ngô Trung Sơn cho biết, sau khi được Bộ KH&CN phê duyệt dự án công ty đã nhanh chóng thành lập tiểu ban điều hành dự án do anh làm Chủ nhiệm kiêm trưởng ban, các thành viên là những cán bộ, nhân viên của công ty. Qua khảo sát chọn địa điểm, ban tiểu ban điều hành đã chọn xây dựng nhà máy tại xã Hùng An, huyện Bắc Quang. Địa điểm này là nơi trồng nhiều loại keo, sản lượng gỗ ước tính lên 205.920 m3 gỗ tròn, rất thuận lợi cho việc thu mua nguyên liệu, thuận lợi cả về giao thông. Tiếp đó, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng đi thực tế khảo sát tại vùng triển khai dự án. Đơn vị chuyển giao công nghệ đã tư vấn giúp cơ quan chủ trì xây dựng mới, lựa chọn thiết bị và giám sát quá trình lắp đặt hệ thống thiết bị 3 lò sấy của mô hình. Mô hình lò sấy sau khi xây dựng và lắp đặt thiết bị xong, tiến hành chạy thử đã đạt yêu cầu. Gỗ sau khi sấy đạt đến độ ẩm theo yêu cầu, độ ẩm dưới 15 %, tiến hành đánh giá chất lượng tốt. Tất cả các thiết bị đã lắp đặt trong 03 lò sấy của mô hình dự án, hệ thống điều khiển giám sát chế độ sấy tự động cũng như nồi hơi trong suốt quá trình vận hành chạy thử đã hoạtđộng ổn định, không xảy ra sự cố hay trục trặc nào. Ông Ngô Trung Sơn cho biết, khi chưa có dự án, hầu hết kỹ thuật viên và người lao động của công ty chưa có kiến thức chuyên môn sâu về công nghệ sấy gỗ. Thông qua dự án đã có 4 kỹ thuật viên được đào tạo và tập huấn được 50 lao động tại mô hình. Hiệu quả đã giúp Công ty giảm bớt được khoảng 5-15% hao phí trong sản xuất so với trước đây khi chưa được tập huấn. Kết quả của dự án cũng được tuyên truyền trên các kênh thông tấn báo chí trung ương và địa phương. Ông Ngô Trung Sơn cũng cho biết, hiện nay, hệ thống lò sấy hoạt động ổn định, liên tục không nghỉ. Ngoài việc sấy gỗ để làm bàn ghế, hàng bán cho công ty Woodland, Mê Linh, Hà Nội; Công ty lâm sản Nam Định; Công ty nhận sấy thuê gỗ cho công ty Mộc Dũng để làm ván ghép thanh, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Nông Văn Triều, thôn Hùng Thắng, xã Hùng An, huyện Bắc Quang, Tổ trưởng sản xuất công ty chia sẻ, với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng đời sống người công nhân đã được cải thiện đáng kể.
Xưởng sản xuất gỗ của ông Ngô Trung Sơn Sau khi ứng dụng tiến bộ KH&CN, công ty đã xuất bán hơn 1.100 bộ bàn ghế học sinh cho huyện Xín Mần, tận dụng gỗ thuê đơn vị ở Bắc Ninh ghép thanh về làm ván ghép thanh bán cho các hộ dân, làm bàn ghế…tạo giá thành rẻ hơn gỗ tự nhiên, tận dụng được gỗ; tuy nhiên giá thành vẫn còn cao do phải chở đi Bắc Ninh, chở về, thuê ghép. Công ty rất mong muốn được đầu tư thêm 01 dây chuyền gỗ ghép thanh để hoàn thiện đến sản phẩm cuối cùng vì công ty đã có đầy đủ nhà xưởng, máy móc phụ trợ…..có như vậy mới tăng được giá thu mua gỗ, giúp người dân quan tâm và sống được bằng nghề rừng, anh Ngô Trung Sơn chia sẻ. Bài, ảnh: Hoàng Anh |