|
|||
Tuyên truyền nâng cao nhận thức KH&CN Tại lễ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 – 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Hội Nông dân đã tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất. Trong đó chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông – lâm – thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng. Trong 5 năm đã có 33.784 đĩa được phát đến Hội nông dân 54 tỉnh, 472 huyện, 4820 xã, 3000 điểm bưu điện văn hóa xã. Xây dựng phát hành 18.000 áp phích tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ, 34.000 cuốn sách tuyên truyền về gương nông dân vượt khó áp dụng KH&CN trở thành hộ khá, giàu. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật cũng được Chương trình quan tâm phát triển. Hội Nông đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tạo nhà nông ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ các địa phương triển khai và thực hiện 322 dự án; trong đó có 103 dự án trồng trọt, 51 dự án chăn nuôi,46 dự án thủy sản, 56 dự án công nghệ sinh học, 14 dự án bảo quản, 28 dự án nước sạch, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng, chế biến dự án.... với tổng kinh phí là 1.739 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương là 663,190 triệu đồng. Trong giai đoạn này, Chương trình đã chuyển giao được 2.384 quy trình công nghệ, xây dựng được 1.048 mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ tiên tiến phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại các địa bàn nông thôn, miền núi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Việc triển khai các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ đã xây dựng chuyển giao được 2.764 mô hình ứng dung KHCN cho khoảng 70.000 nông dân. Từng bước hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở có trình độ phù hợp và người dân có khả năng ứng dụng các công nghệ mới tại địa phương, giúp chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thực thi các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý trong việc triển khai Chương trình năm nay có nhiều dự án phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP - VietGAP hoặc GlobalGAP). Đánh giá về vai trò của KH&CN trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, KH&CN có vai trò rất quan trọng đối với phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là nền nông nghiệp. Nhờ có ứng dụng KH&CN vào sản xuất mà nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành nước đứng trong TOP thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn đến nông dân thông qua nhiều chính sách quan trọng. Thành công của Chương trình trong giai đoạn qua thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa hai cơ quan. Từ sự phối hợp này đã có hàng ngàn hộ nông dân đã được tiếp cận với tiến bộ KH&CN áp dụng vào sản xuất và đời sống góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đến công tác sở hữu trí tuệ Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cũng cho biết, với những thành công của giai đoạn trước, Bộ KH&CN và Hội Nông dân Việt Nam sẽ triển khai tiếp giai đoạn tiếp theo (2016 – 2020). Giai đoạn này sẽ tập trung vào 4 nội dung chính như đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cả nước tích cực ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của KH&CN, nâng cao trình độ ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong đời sống, sản xuất; hỗ trợ thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN để nâng cao trình độ sản xuất, hiệu quả sản xuất; tăng cường sự thống nhất trong phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy phát triển ứng dụng KH&CN giữa hai ngành từ trung ương đến địa phương. Ông Nguyễn Quốc Cường cũng khẳng định, Chương trình phối hợp đã đem lại hiệu quả về kinh tế một cách rõ rệt cho người nông dân được tham gia chương trình ở cả 63 tỉnh, thành phố so với những hộ không được tham gia Chương trình này. Các dự án thuộc chương trình được thực hiện thành công đã tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đem lại giá trị thực sự cho người nông dân. Trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Quốc Cường mong muốn Chương trình quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền các sản phẩm cho người nông dân. "Người nông dân dù nhận được nhiều sự quan tâm nhưng vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Do đó, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành để giúp người nông dân có cuộc sống tốt nhất. Trong giai đoạn tiếp theo, hai bên quyết tâm thực hiện thành công 4 mục tiêu của Chương trình và dành sự quan tâm đúng mức đến công tác sở hữu trí tuệ cho người nông dân", Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ. Bài, ảnh: Gia Anh |