|
|||
Đó là một số đóng góp của hoạt động KH&CN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang thời gian qua. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển KH&CN tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020 ngày 18/5 mới đây. Tăng năng suất, giá trị sản phẩm Theo báo cáo, giai đoạn 2012 – 2015, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định, tạo hành lang pháp lý tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động KH&CN. Công tác xây dựng kế hoạch, chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN đã được đổi mới theo hướng tập trung, không dàn trải, đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương. Cụ thể, dự án quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn cho sản phẩm vải thiều được nhân rộng quy mô với 8.500ha theo mô hình VietGAP. Năm 2014, diện tích cây vải thiều đạt khoảng 32.000ha, chiếm 74% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, bằng 34% diện tích vải thiều toàn quốc. Sản lượng vải tươi hàng năm đạt 155.000 tấn, trong đó sản lượng vải VietGAP khoảng 45.000 tấn. Giá bán trung bình đã tăng thêm 3.000 đồng/kg so với trước khi chưa xây dựng thương hiệu. Việc triển khai thực hiện sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tăng giá trị từ 20-30% so với vải thiều sản xuất thông thường, đáp ứng một số yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Với giá trị tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường, diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tăng giá trị 90 tỷ đồng/năm. Điển hình năm 2014, với 1ha vải VietGAP cho 15 tấn quả, giá bán bình quân 20 – 25 nghìn đồng/kg, cao hơn vải thông thường 9-10 nghìn đồng/kg, trừ tri phí cho lãi khoảng 200 triệu đồng/ha. Từ khi có thương hiệu "Gà đồi Yên Thế ", việc chăn nuôi gà đã trở thành nghề phổ biến đối với nhiều hộ dân của huyện. Lợi thế so sánh về gà thương hiệu đã giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm. Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nhiều nước. Ảnh: NH Dự án KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống, nấm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao và bảo quản, chế biến nấm đã giúp chủ động sản xuất giống nấm và nấm thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện đã có khoảng 120 – 150 hộ gia đình có diện tích nuôi trồng nấm từ 300m2 trở lên. Một số trang trại đạt sản lượng trung bình từ 30 – 50 tấn nấm tươi/năm trở lên và cho thu lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu khoảng 25-30 tỷ đồng/năm. Thay đổi tư duy, cách tiếp cận về KH&CN Các tham luận tại hội thảo đã tập trung vào những nội dung iên quan đến việc nâng cao chất lượng nghiên cứu các đề tài khoa học; định hướng thu hút nguồn nhân lực chất lượng tham gia nghiên cứu khoa học tại địa phương; quy mô, kinh phí nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề thay đổi cách tiếp cận về KH&CN; việc chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; vấn đề tổ chức các hoạt động KH&CN và thành lập các doanh nghiệp KH&CN… Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, thời gian tới Bắc Giang cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng KH&CN trên cơ sở đổi đổi mới tư duy, cách tiếp cận về KH&CN. Việc xây dựng kế hoạch, đề án phát triển KH&CN của tỉnh cần tạo tính đột phá cao nhằm thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ trong lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả năng suất lao động. Tiếp tục đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực KH&CN; tập trung nghiên cứu, đưa ra các đề tài, giải pháp KH&CN hữu ích để giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề và các khu, cụm công nghiệp tại địa phương. Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang thừa nhận, tuy đạt được một số kết quả tốt, song tiềm lực KH&CN của tỉnh còn chưa thực sự đủ mạnh để trở thành động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin bước đầu được triển khai ứng dụng, song kết quả chưa cao. Nhiều vấn đề bức xúc trong sản xuất chưa được tập trung nghiên cứu, giải quyết như: Chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản sau thu hoạch,... Theo ông Kiên, Bắc Giang đã đặt ra một số mục tiêu chính cho những năm tới là phát triển KH&CN phải góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh theo hướng bền vững. Tăng cường tiềm lực KH&CN (nguồn nhân lực, mức đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và thông tin phục vụ hoạt động). Đồng thời đổi mới cơ chế quản lý, phát triển KH&CN gắn với xây dựng cơ chế, chính sách. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phát triển KH&CN nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ KH&CN, nhất là áp dụng công nghệ về giống, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản sau thu hoạch, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong các lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao tinh thần tự lực tự cường, sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động KH&CN;… Hạnh Nguyên |